Cần cơ chế để thích ứng

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn nhằm đưa ra những giải pháp để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch bền vững trong điều kiện “bình thường mới”.

Theo ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch phải thích ứng, làm quen với khái niệm “bình thường mới” thì mới có thể phục hồi và phát triển. Ngành du lịch cần thay đổi từ khâu xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp.

Bản giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam trong điều kiện ''bình thường mới''
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: T.M

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới. Đối với ngành du lịch, trạng thái bình thường mới được xác định với nhiều yếu tố mới, trong đó an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường trở thành các quy định bắt buộc với du lịch.

Bên cạnh đó là một số quy định mới khách cần thực hiện trước và trong khi tham gia du lịch (khai báo y tế, khai báo di chuyển, xét nghiệm y tế, phiếu tiêm vắc-xin..); phương tiện thông tin cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng… từng bước trở thành yêu cầu bắt buộc phải có khi đi du lịch.

“Đồng thời, các hoạt động chủ yếu trong du lịch như xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý kinh doanh du lịch cũng đang và sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm an toàn và ứng dụng công nghệ. Điều này đòi hỏi toàn ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi các hoạt động quản lý và kinh doanh, góp phần khôi phục và phát triển du lịch một cách bền vững, nhanh chóng thích ứng với tình trạng bình thường mới”- ông Bình cho biết.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có. Để phục hồi du lịch, cần có cơ chế, chính sách phù hợp và chiến lược thích ứng linh hoạt.

Về giải pháp lâu dài, ông Tuấn cho rằng cần phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao: du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch đô thị, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch chăm sóc sức khỏe; thí điểm phát triển sản phẩm du lịch tới các đảo xa bờ.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch, đảm bảo kết nối với hệ thống sản phẩm du lịch của vùng và quốc gia. Ưu tiên khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá đặc trưng, nổi trội của mỗi địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững; chú trọng khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của từng địa phương, vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh.

Sản phẩm du lịch cần hướng tới yếu tố bền vững

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Mạnh Lượng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long thông tin, đơn vị sở hữu hơn 500 tàu du lịch, 6.000 lao động, nhưng sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch, đơn vị gần như “tê liệt”. Ông đề xuất cần có thêm chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể đứng vững trước đại dịch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hoan- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours cho rằng, việc xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng. Sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm cho khách...

Còn theo ông Phùng Quang Thắng- Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, đơn vị cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn. Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình sẽ lên ngôi như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc.

Ông Cao Trí Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh mô hình liên kết, cạnh tranh giữa các đơn vị để chia sẻ nguồn tài nguyên du lịch. Ở khu vực miền Trung hiện nay đã xây dựng sản phẩm chung giữa Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam, hình thành nên con đường di sản, sản phẩm du lịch biển… tăng sức hấp dẫn cho du khách.

Thông tin tại Diễn đàn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau khi mở cửa thí điểm đón khách quốc tế từ giữa tháng 11/2021, đến nay Việt Nam đã đón khoảng 978 khách quốc tế. Tháng 12 tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đón một đoàn khách Thái Lan, đó là kết quả của hoạt động liên kết du lịch với các quốc gia bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.