![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Ban tổ chức sự kiện. |
Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận khẳng định: Sau 50 năm được giải phóng, đặc biệt là sau 33 năm tái lập tỉnh (từ năm 1992 đến nay), Bình Thuận đã nỗ lực vươn lên từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nay đã phát triển khá toàn diện.
Từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá; năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,25% cao hơn mức trung bình chung cả nước. Quy mô nền kinh tế cán mốc hơn 128 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành. Kim ngạch xuất khẩu hơn 1.011 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.838 tỷ đồng, vượt hơn 8,3% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa khoảng 9.605 tỷ đồng, vượt 6,67%.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; các sản phẩm sản xuất đều tăng, trong đó sản phẩm tăng khá cao. Ngành nông nghiệp phát triển ổn định, chuyển dần sang công nghệ hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
Kinh tế biển tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo được quan tâm đầu tư, nâng cấp, phục vụ tốt yêu cầu phát triển. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; giai đoạn 2021 - 2025 thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 225.137,5 tỷ đồng, tăng bình quân 11,23%/năm; thu hút 08 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4.166 triệu USD; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cấp, mở rộng quy mô đầu tư.
![]() |
Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận đọc diễn văn tại buổi lễ. Ảnh: Ban tổ chức sự kiện. |
Các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định, số lượt du khách và doanh thu du lịch tiếp tục phát triển, số lượng du khách và doanh thu du lịch liên tục tăng qua từng năm; từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đón hơn 35 triệu lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt trên 93.000 tỷ đồng; trong đó bình quân những năm gần đây doanh thu du lịch đạt khoảng 1 tỷ USD.
Trong đó, du lịch Bình Thuận đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong quá trình đó, ngành du lịch luôn đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đầu tư các dự án có tính đột phá.
Điểm nhấn gần đây là chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế. |
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội được tỉnh tập trung thực hiện. Các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo cho người có công được chú trọng; các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả… Quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, với những gì thiên nhiên ưu đãi, trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục xác định khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để triển khai thực hiện.
Hướng tới mục tiêu cao hơn
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình biểu dương và chúc mừng những thành tựu đạt được trong 50 năm qua, Phó thủ tướng nhấn mạnh: Phát huy truyền thống anh hung và những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua Bình Thuận tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Phó Thủ tướng cho rằng, với lợi thế cảnh quan tự nhiên đẹp (với các vùng sinh thái rừng - núi - biển), khí hậu ấm áp, nhiều tài nguyên nhân văn đa dạng (con người, lịch sử, văn hóa, di tích, tâm linh…) tạo điều kiện thuận lợi hình thành một trung tâm du lịch tầm quốc gia và quốc tế.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông với nhiều công trình có quy mô lớn đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hạ tầng giao thông nông thôn cũng được đẩy mạnh đầu tư thực hiện; thu hút được vốn ngoài ngân sách đầu tư hoàn thành một số dự án quan trọng.
![]() |
Biểu diễn văng nghệ chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ban tổ chức sự kiện. |
Hạ tầng năng lượng của quốc gia đang đầu tư, sớm hoàn thành tạo điều kiện kết nối đồng bộ hạ tầng trong tỉnh với hạ tầng quốc gia, vùng; là điều kiện quan trọng thu hút đầu tư các dự án sản xuất điện, đưa ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt biển, mặt hồ để nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư, ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, điện mặt trời trên hồ chứa nước.
Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được xây dựng) là cơ hội cho tỉnh Bình Thuận hoạch định phương án, quản lý phát triển và định hướng cho các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội từ những chủ trương, chính sách mang lại.
Bình Thuận cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, sự dịch chuyển, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp hướng tới nền kinh tế dựa chủ yếu vào tiến bộ công nghệ tạo cơ hội cho Bình Thuận khai thác hiệu quả tiềm năng về vị trí địa lý, đất đai… để tiến tới hình thành và phát triển các trung tâm đào tạo hướng tới hình thành một cụm liên kết về đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, huy động nguồn lực và có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng lưu ý, ngay tại thời điểm này, tỉnh Bình Thuận cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về đại hội Đảng bộ các cấp theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, quyết liệt thực hiện và hoàn thành sớm các chủ trương của Trung ương về xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, việc tổ chức lại bộ máy sau sắp xếp phải thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.
Đi đôi với phát triển kinh tế, tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng còn nhiều khó khăn, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bình Thuận sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết làm nên nhiều thành tưu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình, hưng thịnh, giàu mạnh của đất nước.
Cũng trong ngày 19/4, tỉnh Bình Thuận tổ chức cắt băng khánh thành hai dự án giao thông trọng điểm: Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn từ QL1 đến cầu Suối Nhum, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) dài khoảng 17,8km với tổng mức đầu tư 933 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu giao với QL1 tại Km1710+500 (thuộc xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) và điểm cuối là cầu Suối Nhum (giao với đường Hàm Minh - Thuận Quý, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam). Đây là 2 công trình được khánh thành cùng với 80 công trình khác của cả nước, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khánh thành tại điểm cầu nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM). |