bảo hiểm tài sản công

Toàn cảnh Hội thảo.

Trong khuôn khổ tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng thế giới (WB) về “Giải pháp tài chính và bảo hiểm cho rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia”, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã phối hợp với WB tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm cho tài sản của Nhà nước.

Trình bày tại Hội thảo, ông Jose Angel Villalobos, chuyên gia của WB đã chia sẻ thông tin về cơ sở pháp lý, mô hình triển khai bảo hiểm tài sản Nhà nước tại một số quốc gia.

Theo đó, tài sản công như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, đê, kè, cảng, kênh mương,…) được coi là nhân tố quan trọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện chính sách bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng để ứng phó với thiên tai và phòng tránh rủi ro (bao gồm cơ chế bảo hiểm), đầu tư vào phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chính phủ một số nước như Phillipines, Mexico, Columbia, Peru, Panama đã quy định bảo hiểm tài sản công là bắt buộc, yêu cầu chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát phải mua bảo hiểm tài sản, trong đó có rủi ro thiên tai. Các quốc gia khác tuy không có quy định cụ thể về yêu cầu mua bảo hiểm cho tài sản Nhà nước nhưng phần lớn chủ thể quản lý, sử dụng các tài sản này đã ý thức được vai trò, tác dụng của bảo hiểm trong công tác quản lý rủi ro nên đã hình thành thói quen mua bảo hiểm.

"Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai bảo hiểm tài sản Nhà nước trên thế giới là gợi ý quan trọng cho Chính phủ Việt Nam trong công tác hoạch định chính sách, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Quản lý tài sản công (sửa đổi)", ông Jose Angel Villalobos nhấn mạnh.

Theo tính toán sơ bộ của WB, thiệt hai đối với trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn Việt Nam chiếm tỷ lệ từ 30% đến 40% tổng giá trị tổn thất ước tính do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, do các tài sản Nhà nước này không được bảo hiểm nên việc tái thiết, phục hồi sau thiên tai phụ thuộc phần lớn vào nguồn hỗ trợ tài chính eo hẹp của Nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế.

Vì vậy, cơ sở hạ tầng cần thiết phải được bảo hiểm để đảm bảo nguồn tài chính cho phục hồi và tái thiết sau thiên tai, đóng góp cho an toàn tài chính của Chính phủ, đảm bảo tính kinh tế của chi phí khắc phục thiên tai.

Thiên tai được coi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạch định kế hoạch đầu tư. Thời gian qua, thiên tai trên thế giới xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Trong khi đó, Chính phủ không có đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ phục hồi, tái thiết sau thiên tai, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư.

Một ví dụ điển hình là tại Cộng hòa Haiti, trận động đất năm 2010 đã gây ra thiệt hại 10 tỷ USD, nhưng chỉ có 1% thiệt hại, tương đương 100 triệu USD được bồi thường bảo hiểm. Tại Mỹ, bão Sandy năm 2012 gây thiệt hại 70 tỷ USD (trong đó Chính phủ Mỹ phải chi 70 tỷ USD từ ngân sách để khắc phục). Tại Anh, lũ lụt năm 2007 gây thiệt hại hơn 1 tỷ bảng Anh riêng đối với tài sản công.

Sau khi xảy ra thiên tai, các quốc gia đã dành nhiều ưu tiên cho công tác quản lý rủi ro và tài trợ rủi ro thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc quy định trong các bộ luật, quy định pháp luật và chính sách về bảo hiểm tài sản công.

Tin và ảnh: Hồng Chi