Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
Ảnh minh họa

Cụ thể, ngày 23/5/2025, trên Fanpage có tên " Thông điệp đức Phật" với 52.000 người theo dõi đã đăng một video với chú thích (caption) "Chơi bảo hiểm không tìm hiểu mất trắng luôn". Trong video xuất hiện cảnh một nhóm người dân bức xúc tố cáo bị lừa đảo tại một văn phòng có treo logo “Lotus Capital”, kèm hình ảnh một số cán bộ mặc sắc phục công an. Tính đến 13h ngày 27/5/2025, video đã thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem, 4.500 lượt chia sẻ và gần 2.000 bình luận – trong đó phần lớn là những bình luận tiêu cực, công kích trực diện ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Lotus Capital được biết đến là công ty quản lý quỹ đầu tư được thành lập vào tháng 12/2006. Thực tế, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam không hề có mối quan hệ hợp tác, đối tác với Lotus Capital. Trong suốt đoạn video kéo dài 3 phút 08 giây cũng không đưa ra được bất cứ lời nói, tài liệu, bằng chứng nào về sự liên quan của các công ty bảo hiểm trong sự việc này. Việc trang Fanpage “Thông điệp đức Phật” đăng tải một video với lời chú thích không có căn cứ như trên là một hành vi bịa đặt, vu khống gây ảnh hưởng lớn tới uy tín, hình ảnh của ngành bảo hiểm nói chung và ngành bảo hiểm nhân thọ nói riêng chỉ để nhằm mục đích gây xôn xao dư luận, qua đó tăng tương tác và kiếm lợi.

Đại diện Hiệp hội cho biết, với tốc độ lan truyền đoạn video nói trên, ngành bảo hiểm nói chung và ngành bảo hiểm nhân thọ đang bị bôi nhọ, xuyên tạc nghiêm trọng, gây hoang mang cho các khách hàng hiện hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu sự việc này tiếp tục kéo dài sẽ khiến một bộ phận không nhỏ người dân bất an, dẫn tới mất niềm tin vào bảo hiểm, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh trật tự; quyền lợi bảo hiểm, quyền lợi tài chính của khách hàng...

Thực tế cho thấy, ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam nói riêng đã có những đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Bảo hiểm được ví như "tấm lá chắn" cho nền kinh tế vì đã giúp giảm thiểu tác động của rủi ro và đảm bảo sự ổn định tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp. Nhờ có bảo hiểm, các cá nhân và doanh nghiệp có thể yên tâm hơn khi đối mặt với các tình huống rủi ro, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Bảo hiểm cũng là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Lũy kế đến hết năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế trên 850 nghìn tỷ đồng, một phần lớn trong số đó được đầu tư vào trái phiếu Chính Phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hơn hàng triệu người lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Riêng năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả khoảng 94 nghìn tỷ đồng.

Tại Việt Nam, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã quy định rất rõ các chế tài xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

Hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm (quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ)./.