Sức gió của cơn bão số 3 tại bờ biển Đồ Sơn lúc 9h vào khoảng cấp 7. |
Khoảng cách từ tâm bão đến khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng còn khoảng 130km. Trong thời gian tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, trong khoảng chiều nay sẽ có khả năng đi vào đất liền, bão sẽ gây ra gió mạnh cấp 10, 11,12 ở khu vực Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, gió mạnh cấp 8, cấp 10 ở khu vực Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... và các tỉnh sâu hơn ở phía trong đất liền như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa rất lớn ở khu vực Bắc Bộ, thời gian mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ sẽ tập trung vào ngày và đêm nay (7/9), chiều và đêm nay mưa lớn sẽ mở rộng sang khu vực phía Tây Bắc Bộ. Đợt mưa này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 9/9. Tổng lượng mưa dự báo khoảng 150-350mm có nơi trên 500mm. Khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra đợt lũ. Ngoài ra các tỉnh vùng núi Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ quét diện rộng.
Mặc dù Hà Nội không chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 nhưng do tác động của hoàn lưu bão từ chiều và tối 7/9, khu vực Hà Nội có khả năng gió mạnh cấp 6 - 7 và giật cấp 9 – 10, tác động rất lớn tới cuộc sống của người dân, có khả năng làm gãy đổ cây, những mái tôn, biển quảng cáo... Người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Cùng với gió mạnh, Hà Nội có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn với lượng mưa có lên tới 150-350mm, gây ra tình trạng ngập úng. Người dân cần có phương án xử lý và phương án phòng, chống ngập lụt ở khu vực Hà Nội.
Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại tới con người và của cải trong đó các loại ô tô, xe máy. Người dân cần chú ý khi trời mưa gió nên ở trong nhà, tránh đi ra đường. Trường hợp đang lái xe mà mưa bão ập đến, người dân cần tìm nơi an toàn để dừng đỗ xe. Khi dừng xe bên đường cần đỗ sát lề bên phải theo đúng chiều di chuyển. Bật đèn sương mù và cân nhắc sử dụng đèn khẩn cấp trong trường hợp mưa bão làm giảm tầm nhìn. Tránh ra khỏi xe và nếu bắt buộc thì phải quan sát kỹ các phương tiện xung quanh, phán đoán điều kiện môi trường bên ngoài. Người dân cần tránh việc đỗ xe ở gầm cầu, hầm chui, cầu vượt… để không gây mất an toàn cũng như làm trầm trọng thêm các áp lực về giao thông.
Tại các vùng chịu ảnh hưởng của bão, người dân cần chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn, kê cao đồ đạc nếu ở vùng thấp trũng; hạ biển quảng cáo ngoài trời; đóng kín cửa sổ, cửa chính; hạ thấp giàn cây cảnh trên cao; neo đậu tàu thuyền vào nơi khuất gió; neo các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; sạc đầy điện thoại, thiết bị tích điện; chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ cho 2 ngày. Bởi vì khi mưa bão có thể gây mất điện, mất nước.
Đối với những gia đình sống trong nhà cao tầng, chung cư cần dùng keo dán cố định cửa kính, đề phòng trường hợp gió mạnh thổi bung cửa kính. Ngoài ra, các hộ dân ở nhà cao tầng cần đem các chậu cây, đồ vật nặng ngoài ban công vào trong nhà, đóng kín cửa sổ để tránh tạt nước làm hỏng hệ thống sàn lát, đồ đạc.
Ban quản lý các chung cư cần chú trọng phương án ứng phó, chuẩn bị hệ thống bơm thoát nước nếu xảy ra ngập lụt.
Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 cần: Tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp. Đối với các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu, vì vậy những ngày sau đó cần chú ý đề phòng...