Thủ tướng: Bệnh viện Bạch Mai phải trở thành bệnh viện hàng đầu khu vực và thế giới Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do thuốc lá điện tử trong 6 tháng Giá dịch vụ khám bệnh và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 11/2024

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số của Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây?

PGS.TS Vũ Văn Giáp: Bệnh viện Bạch Mai hiện là bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao trực thuộc Bộ Y tế, với quy mô 3.600 giường bệnh và gần 4.500 cán bộ, nhân viên. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ 4.000 - 5.000 lượt bệnh nhân nội trú, cùng khoảng 8.000 - 10.000 lượt bệnh nhân ngoại trú.

Trên nền tảng quy mô lớn và nhiệm vụ nặng nề đó, chuyển đổi số tại Bệnh viện Bạch Mai được triển khai toàn diện và quyết liệt, mang lại nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, vào ngày 15/11/2024, bệnh viện chính thức công bố trở thành “Bệnh viện không giấy tờ”, là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử toàn phần.

Bệnh viện Bạch Mai: Xây dựng môi trường y tế số hóa chăm sóc người bệnh toàn diện

Chuyển đổi số tại Bệnh viện Bạch Mai giúp người bệnh và nhân viên y tế đều hưởng lợi.

Song song với đó, bệnh viện đã xây dựng nền tảng dữ liệu chung, tích hợp và chuẩn hóa toàn bộ thông tin y tế, quản trị và điều hành - tạo tiền đề cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big data). Các công nghệ hiện đại như thanh toán QR động, quản lý nhân sự bằng FaceID, quản lý tài sản và vật tư thông minh cũng được áp dụng đồng bộ, giúp nâng cao hiệu quả vận hành.

Đồng thời, bệnh viện phát triển mạnh các nền tảng y tế số như hệ thống PACS, CDSS, cảnh báo lâm sàng sớm và khám chữa bệnh từ xa, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, đảm bảo an toàn và tiện ích cho người bệnh. Những kết quả này thể hiện quyết tâm cao độ và vai trò tiên phong của Bệnh viện Bạch Mai trong hành trình chuyển đổi số y tế quốc gia.

PV: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Bệnh viện Bạch Mai có gặp phải khó khăn, thách thức về nhân sự và trang thiết bị không, thưa ông?

PGS.TS Vũ Văn Giáp: Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đặc biệt tại một bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai là một quá trình phức tạp và đầy thách thức. Trước hết, việc thay đổi thói quen và tư duy làm việc của đội ngũ gần 4.500 cán bộ, nhân viên - những người đã quen với quy trình thủ công, giấy tờ là điều không hề đơn giản.

Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi, từ cán bộ lãnh đạo cho tới nhân viên hành chính, điều dưỡng và bác sĩ điều trị.

Bệnh viện Bạch Mai: Xây dựng môi trường y tế số hóa chăm sóc người bệnh toàn diện
PGS.TS Vũ Văn Giáp

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin ban đầu của bệnh viện còn rất lạc hậu, thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu cho một hệ thống số hóa toàn diện, đặc biệt trong lưu trữ dữ liệu lớn và bảo mật thông tin y tế. Việc xây dựng hệ thống mạng, máy chủ, trung tâm dữ liệu đồng bộ cũng mất nhiều thời gian và kinh phí.

Một thách thức lớn khác là các quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và phần mềm công nghệ thông tin vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến quá trình triển khai các giải pháp công nghệ đôi khi bị chậm trễ.

PV: Để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ra sao, thưa ông?

PGS.TS Vũ Văn Giáp: Trong lộ trình chuyển đổi số toàn diện, Bệnh viện Bạch Mai xác định thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp trọng tâm nhằm giảm thời gian chờ đợi, minh bạch tài chính và nâng cao trải nghiệm người bệnh.

Để triển khai hiệu quả, bệnh viện đã chủ động liên kết với nhiều ngân hàng thương mại nhằm đa dạng hóa phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm thanh toán bằng thẻ ngân hàng, chuyển khoản và đặc biệt là QR động - hình thức thanh toán tiện lợi, an toàn và ngày càng phổ biến.

Cùng với đó, bệnh viện đã đầu tư hệ thống kiosk thanh toán tự động, bố trí tại các khu khám bệnh và điều trị để người dân dễ dàng sử dụng. Đồng thời, bệnh viện cũng đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ và truyền thông đối ngoại, nhằm giúp cán bộ y tế và người bệnh hiểu rõ lợi ích và cách sử dụng các phương thức thanh toán mới.

Đặc biệt, Ban Giám đốc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong toàn bệnh viện, yêu cầu quán triệt và tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, với trọng tâm là thực hiện thanh toán bằng mã QR động.

Nhờ các giải pháp đồng bộ nêu trên, tính đến quý I/2025, tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Bạch Mai đã đạt gần 60%, mang lại sự hài lòng rõ rệt cho người bệnh cũng như nhân viên y tế và mục tiêu chúng tôi mong muốn sẽ nâng cao tỷ lệ này hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Có thể thấy bệnh viện thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ lẫn người bệnh. Theo ông, Bệnh viện Bạch Mai sẽ đề ra những giải pháp và mục tiêu gì trong chuyển đổi số thời gian tới?

PGS.TS Vũ Văn Giáp: Chuyển đổi số là một trong 6 trụ cột chiến lược trong Đề án phát triển Bệnh viện Bạch Mai đến năm 2030, bao gồm: Big data và AI; ghép đa tạng; phẫu thuật robot; tế bào gốc; gen trị liệu và ứng dụng in 3D trong y tế. Trong đó, trụ cột chuyển đổi số đóng vai trò trung tâm, kết nối và hỗ trợ các lĩnh vực chuyên sâu khác phát triển.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, chúng tôi sẽ triển khai Bệnh viện Bạch Mai - Cơ sở Hà Nam và Đề án thành lập Trường Đại học Y dược Bạch Mai là những nhiệm vụ rất lớn lao nhưng đầy vinh dự, thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ và Bộ Y tế tới đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Trong thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai xác định rõ mục tiêu phát triển thành bệnh viện thông minh, hiện đại và nhân văn - nơi người bệnh được chăm sóc hiệu quả, an toàn, còn cán bộ y tế được hỗ trợ tối đa trong chuyên môn và quản trị. Chúng tôi xác định một số giải pháp chiến lược mang tính đột phá.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống bệnh án điện tử toàn phần, toàn trình, tích hợp dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng để hỗ trợ ra quyết định điều trị.

Thứ hai, phát triển cơ sở big data và ứng dụng AI vào phân tích, dự báo xu hướng bệnh tật, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh và sàng lọc nguy cơ sớm. Thứ ba, mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, tạo điều kiện để người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận bác sĩ tuyến trung ương.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng sẽ triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC), giám sát hoạt động khám chữa bệnh, quản lý tài chính, vật tư và nhân lực theo thời gian thực. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một môi trường y tế số hóa, hiện đại, công bằng và nhân văn - nơi người bệnh được chăm sóc toàn diện, bác sĩ được hỗ trợ tối ưu và dữ liệu y tế được bảo vệ, khai thác hiệu quả vì sức khỏe cộng đồng. Bạch Mai sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong công cuộc chuyển đổi số ngành Y tế Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xây dựng bệnh viện thông minh vì người bệnh và sự phát triển bền vững

PGS.TS Vũ Văn Giáp cho hay, với sự chỉ đạo sát sao từ Ban Giám đốc, sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban chuyên môn và sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã từng bước tháo gỡ các rào cản, kiên định với mục tiêu xây dựng bệnh viện thông minh vì người bệnh và vì sự phát triển bền vững.