thu

Tăng cường công tác quản lý thu, quyết liệt chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.

Dự kiến thu NSTW giảm 8-12 nghìn tỷ đồng

Đánh giá về thu NSNN năm 2016, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến thu đạt 1.039 nghìn tỷ đồng, bằng 102,4% (vượt 24,5 nghìn tỷ đồng), tăng 4,1% so thực hiện năm 2015. Trong đó, đối với NSTW, ước tính tác động của yếu tố giá dầu giảm, thực hiện các cam kết FTAs, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng nhập khẩu làm giảm thu khoảng 37,6 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nhờ kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; đồng thời tăng cường công tác quản lý thu, quyết liệt chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ở lĩnh vực khác để bù đắp giảm thu nên dự kiến cả năm thu NSTW chỉ giảm từ 8 - 12 nghìn tỷ đồng. Đối với NSĐP, dự kiến tăng thu 36 nghìn tỷ đồng; tuy nhiên, vẫn còn 6 địa phương giảm thu NSĐP khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng.

Để đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, đối với NSTW, Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, kiên quyết thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế thì cũng tiến hành thu đúng, đủ, kịp thời vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo thu đủ 30 nghìn tỷ đồng vào NSNN.

Dự kiến, sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương theo Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì vẫn còn 4 địa phương hụt thu nguồn 50% cân đối chung NSĐP khoảng trên dưới 1 nghìn tỷ đồng gồm: Quảng Ngãi, Kon Tum, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về chi NSTW, Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động các giải pháp bao gồm tổ chức điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán; thực hiện cắt giảm dự toán đối với các khoản chi thường xuyên chưa phân bổ, chậm triển khai sau ngày 30/6/2016. Bên cạnh đó, tạm giữ lại 50% dự phòng NSTW năm 2016 (6.250 tỷ đồng) theo Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN. Trường hợp trong những tháng cuối năm phát sinh các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách…, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc ứng vốn trong điều kiện thanh khoản NSTW còn khó khăn, số dư ứng vốn chưa thu hồi lớn, khả năng huy động vốn khó khăn.

“Không cho giải ngân, thực hiện cắt giảm dự toán đối với các nhiệm vụ chi đầu tư và thường xuyên đã được duyệt từ đầu năm, nhưng đến cuối năm vẫn còn dư dự toán (trừ những khoản mới bổ sung trong năm và các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định)”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chi NSĐP theo dự toán và phù hợp với khả năng thu

Đối với NSĐP, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương tổ chức điều hành chi NSĐP theo dự toán và phù hợp với khả năng thu; chủ động sử dụng dự phòng NSĐP để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh… và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.

Các địa phương đánh giá thu cân đối NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt và vượt dự toán (các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về đánh giá số thu), thì được sử dụng nguồn dự phòng NSĐP đã bố trí trong dự toán theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội; số vượt thu ngoài tiền sử dụng đất, địa phương sử dụng 50% để cải tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, 50% còn lại để xử lý các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh, ưu tiên xử lý thanh toán nợ xây dựng cơ bản, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn.

Đối với các địa phương dự kiến thu cân đối NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm lớn, Bộ Tài chính trước mắt yêu cầu các địa phương tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán để chủ động xử lý cân đối NSĐP.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, trong điều hành, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách, đề nghị địa phương phải sử dụng các nguồn lực của địa phương để xử lý (gồm: nguồn 50% dự phòng NSĐP năm 2016 tạm giữ lại; kết dư NSĐP năm 2015; một phần Quỹ dự trữ tài chính địa phương theo quy định của Luật NSNN). Trường hợp còn khó khăn, NSTW xem xét tiến độ bổ sung cân đối hoặc cho NSĐP tạm ứng để xử lý cân đối quỹ của địa phương.

Kết thúc năm, căn cứ kết quả thực hiện thu NSNN, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với các địa phương bị giảm thu cân đối NSĐP, trong đó: Đối với số giảm thu làm giảm nguồn chi cải cách tiền lương, các địa phương phải sử dụng các nguồn cải cách tiền lương còn lại để xử lý; trường hợp không đủ thì NSTW sẽ hỗ trợ thông qua kết quả thẩm định tiền lương thực tế của NSĐP năm 2016. Đối với số giảm thu làm giảm nguồn cân đối chung của NSĐP, địa phương phải sử dụng các nguồn lực của địa phương để xử lý; trường hợp vẫn còn hụt nguồn, thì NSTW sẽ xem xét hỗ trợ bù giảm thu cho NSĐP tùy theo khả năng cân đối NSTW.

H.TR