Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng năm 2024
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Dự kiến thu ngân sách giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó, quy định chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022 áp dụng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) và Nghị quyết số 101/2023/QH15 tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong 6 tháng cuối năm 2023. Từ thực tiễn thời gian quan, Chính phủ cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng.

Trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đã được thực hiện ổn định trong năm 2022, 2023; dự kiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như nội dung chính sách giảm thuế GTGT thực hiện trước đó.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Dù thu ngân sách giảm, nhưng việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng năm 2024

Theo nhận định của Bộ Tài chính, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, giảm thuế góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tính toán để không gây áp lực cho ngân sách

Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc cần thiết phải giảm thuế cho nửa đầu năm 2024. Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với phạm vi, đối tượng giảm thuế, thời gian áp dụng chính sách, hiệu lực thi hành.

Có ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng thêm chính sách để áp dụng cho tất cả các nhóm hàng hóa dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10%; có ý kiến đề nghị áp dụng chính sách cho cả năm 2024.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Có một số ý kiến băn khoăn việc ban hành chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2024 vì cho rằng, đây chỉ là một biện pháp tình thế của Nghị quyết số 43/2022/QH15, ứng phó với các khó khăn tại thời điểm nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến nay, đại dịch đã đi qua, kinh tế năm 2022 đã đạt những kết quả hết sức tích cực và mức tăng trưởng năm 2023 cũng là kết quả khả quan so với các nước, do đó việc giảm thuế cần cân nhắc hơn.

Trong khi đó, việc giảm thuế đã tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế. Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu NSNN đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây.

Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu làm rõ thêm các ý kiến đại biểu nêu. Theo Bộ trưởng, việc không giảm thuế GTGT cho tất cả các đối tượng nhằm đảm bảo sự nhất quán trong chính sách (như đã thực hiện trong năm 2022 và nửa năm 2023), đồng thời giảm áp lực cho ngân sách. Nếu như thực hiện cho cả năm 2024 cũng như mở rộng đối tượng giảm thuế “sẽ gây khó khăn cho ngân sách” - như lời Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Như đã từng chia sẻ với báo chí và tại nghị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, việc giảm thuế GTGT chỉ là một trong nhiều giải pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, gỡ vướng trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động…

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện chính sách để trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN TẠO (LÂM ĐỒNG):

Nối dài chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng năm 2024

Tôi tán thành cao với báo cáo thẩm định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Thời gian vừa qua, việc tập trung chỉ đạo điều hành của Chính phủ, theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội tương đối quyết liệt, có căn cơ, đồng bộ với các giải pháp về tài chính và ngân sách.

Các chính sách đã có tác động tương đối tích cực và mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân từng bước ổn định được sản xuất kinh doanh. Đại bộ phận đời sống của người dân đã được trở lại tương đối bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế, theo đúng tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Tuy nhiên, sau một thời gian tương đối dài (từ năm 2020 đến năm 2022), vì nỗ lực chống chọi với đại dịch Covid-19 cùng với chịu sự tác động không nhỏ trước tình hình bất lợi, phức tạp của thế giới, người dân và doanh nghiệp còn khó khăn nên rất cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ về đối tượng giảm thuế như đã thực hiện trong 2 năm qua. Chính phủ đề xuất thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024 và lần này có chế định mở là sau ngày 30/6/2024 nền kinh tế chung của đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tôi tán thành cao việc giao cho Chính phủ có tờ trình căn cứ vào tình hình thực tiễn đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng việc giảm thuế giá trị gia tăng và báo cáo lại cho Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN DUY THANH (CÀ MAU):

Giảm thuế đã phát huy tác dụng

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng năm 2024

Việc giảm thuế GTGT cho năm 2024 tương tự như đã thực hiện năm 2022 và năm 2023 là cần thiết. Dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn trong khi đó, thuế GTGT tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và tăng nhu cầu tiêu dùng. Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% năm 2023, bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng, chứng tỏ giảm thuế GTGT đã phát huy giá trị cần thiết được tiếp nối trong năm 2024.

Đề xuất giảm 2% thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và năn 2023. Về đối tượng áp dụng giảm thuế, theo đề xuất của Chính phủ đã loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn. Tuy nhiên, theo tôi, cần cân nhắc áp dụng chung một mức giảm thuế cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (HẢI DƯƠNG):

Đánh giá việc giảm thuế tác động ra sao đến ngân sách địa phương

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng năm 2024

Tôi cho rằng, Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tờ trình của Chính phủ cần phân tích rõ hơn hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách này. Bên cạnh đó, cần đánh giá đầy đủ tác dụng của chính sách này với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, cũng cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP.

Việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT, cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa dịch vụ như hiện nay.

Như vậy, phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất theo mục tiêu xây dựng nghị quyết lại vừa không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng.