Thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất

Thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất ngày càng được đơn giản hóa.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn của TBTCVN về vấn đề này.

Một số khoản phí giảm từ 60 - 90%

PV: Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9/8/2017 của Chính phủ, tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2017, giao Bộ Tài chính rà soát, giảm các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí của DN. Được biết, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát để sửa đổi 17 thông tư liên quan. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn tất việc ban hành các thông tư này chưa và mức giảm cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông phạm đình thi
Ông Phạm Đình Thi

- Ông Phạm Đình Thi: Nghị quyết số 75 đã giao: “Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có các cơ quan, đơn vị đang cung cấp các dịch vụ công và thu phí thống nhất mức giảm phí liên quan đến chi phí DN. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đánh giá kết quả giảm chi phí cho DN theo tinh thần nghị quyết này và tiếp tục rà soát, đề xuất cụ thể việc cắt giảm mức phí và loại phí thuộc phạm vi quy định của Luật Phí, lệ phí”.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 75, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát để đề xuất không thu, miễn thu hoặc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào của DN.

Đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 14 thông tư (trong đó có 1 thông tư sửa đổi 2 thông tư) và còn 2 thông tư đang hoàn thiện để ban hành trong quý III/2018.

Tổng hợp các quy định đã được sửa đổi, bổ sung, kết quả có thể phân thành 2 nhóm như sau: Nhóm 1- quy định không thu, miễn thu 6 khoản phí và 2 khoản lệ phí; nhóm 2- quy định giảm mức thu của 21 khoản phí và 4 khoản lệ phí. Về mức giảm, tùy theo từng khoản phí, lệ phí, mức giảm trong khoảng từ 5 - 25% so với mức hiện hành, cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn từ 60% - 90%.

Tập trung miễn, giảm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

PV: Trong số các khoản phí, lệ phí được Bộ Tài chính quyết định không thu, miễn thu hoặc giảm thu, ông có thể cho biết những khoản phí, lệ phí nào có tác dụng thiết thực, hỗ trợ giảm chi phí cho DN?

- Ông Phạm Đình Thi: Đối với các khoản phí, lệ phí được quyết định không thu, miễn thu có phí, lệ phí trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất và đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Cơ sở của việc quy định không thu hoặc miễn thu một số khoản phí, lệ phí là xuất phát từ cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính theo hướng bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết, để từ đó cắt giảm chi phí có liên quan. Căn cứ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, trong đó quy định bỏ một số thủ tục liên quan đến thu phí, lệ phí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTC ngày 25/1/2018; trong đó đã bỏ các quy định: thu phí thẩm định phê duyệt Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phí thẩm định cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp; lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.

Việc bãi bỏ quy định thu một số khoản phí, lệ phí này chính là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất; qua đó cắt giảm đáng kể về thời gian, chi phí cho DN.

Ngoài ra, căn cứ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 130/2017/TT-BTC ngày 4/12/2017 sửa đổi Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016; trong đó quy định miễn lệ phí đăng ký kinh doanh và miễn phí cung cấp thông tin DN lần đầu áp dụng cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Quy định này có ý nghĩa quan trọng nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nhỏ và vừa. Hiện nay, có khoảng 1,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, khi đăng ký chuyển đổi thành DN được miễn phí, lệ phí nêu trên.

Đối với các khoản phí, lệ phí được quyết định giảm mức thu, có một số khoản phí, lệ phí liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ví dụ như: Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu giảm từ 350.000 đồng/lô hàng xuống 200.000 đồng/ lô hàng (giảm 43%) và phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đối với cơ quan trung ương thực hiện giảm từ 50.000 đồng/lần/người xuống 30.000 đồng/lần/người (giảm 40%). Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, giảm từ 70.000 đồng xuống 40.000 đồng. Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y, giảm từ 100.000 đồng xuống 50.000 đồng (Thông tư số 44/2018/TT-BTC ngày 7/5/2018 sửa đổi Thông tư số 285/2016/TT-BTC về phí, lệ phí trong công tác thú y và Thông tư số 286/2016/TT-BTC về phí thẩm định quản lý chất lượng an toàn thực phẩm).

Với mức phí, lệ phí mới được ban hành, các DN là người nộp phí đều cho rằng, mức thu này không tạo gánh nặng tài chính và tạo thuận lợi hơn so với trước đây.

Việc quy định không thu, miễn thu và giảm mức thu đối với một số khoản phí, lệ phí là nhằm cải cách thủ tục hành chính theo hướng bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết tại các cơ quan thu phí, lệ phí; từ đó cắt giảm chi phí có liên quan, giúp các DN tiết kiệm chi phí đầu vào.

Mang ý nghĩa chia sẻ giữa Nhà nước và DN

PV: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang tái cơ cấu lại nguồn thu để bù đắp các khoản thu từ thuế xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô giảm, nhiều ý kiến cho rằng, đây là động thái tích cực cho thấy nỗ lực của Bộ Tài chính, bởi việc giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách. Ông nhận định ra sao về điều này?

- Ông Phạm Đình Thi: Có thể thấy rằng, quy định không thu, miễn thu hoặc giảm mức thu một số khoản phí và lệ phí có ý nghĩa rất quan trọng và đã được triển khai thực hiện. Về mức miễn, giảm phí, lệ phí tuy không nhiều, nhưng đây chính là thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và DN.

Việc miễn, giảm một số khoản phí và lệ phí sẽ góp phần giảm chi phí cho DN. Tuy về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách, nhưng về dài hạn DN kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Quy định miễn, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí thời gian qua của Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng DN và các hiệp hội ngành nghề. Các DN, hiệp hội cho rằng, quy định không thu, miễn thu hoặc điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí để tạo thuận lợi cho DN chính là động thái thiết thực, cụ thể, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức hỗ trợ DN tiết giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Để thực hiện không thu, miễn thu hoặc giảm mức thu phí, lệ phí, đồng thời vẫn bảo đảm tốt công việc chuyên môn, các cơ quan thu phí, lệ phí đã phải nỗ lực cải tiến quy trình nghiệp vụ, giảm bớt thủ tục hành chính để có thể cắt giảm chi phí của chính mình, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN liên quan đến khai, nộp phí và lệ phí.

PV: Xin cảm ơn ông!


Giảm lệ phí thành lập, DN tiết giảm 21 tỷ đồng/năm


Với quyết định giảm lệ phí thành lập DN (mức giảm từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng), các DN thành lập mới được áp dụng chính sách này và hưởng lợi. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với lệ phí đăng ký qua mạng, ước tổng số tiền giảm cho các DN mỗi năm là 8 tỷ đồng. Đối với DN nộp hồ sơ trực tiếp, quy định giảm lệ phí này đã tiết giảm cho DN mỗi năm số tiền là 21 tỷ đồng. Số tiền do giảm mức phí tuy không lớn nhưng với đa số DN thành lập mới với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, mới bước vào thị trường lại có ý nghĩa lớn, có thêm động lực và niềm tin vào thị trường.

* Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Hà Lan:

Đối với doanh nghiệp, tiết kiệm được một đồng cũng quý

Ông Nguyễn Mạnh Hà
Ông Nguyễn Mạnh Hà

Được biết, trong 2 năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát giảm các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí của DN; trong đó có một số khoản phí có mức điều chỉnh giảm rất lớn.

Việc giảm mức thu các khoản phí, lệ phí thời gian qua của Bộ Tài chính được DN đánh giá cao. Bởi, trong bối cảnh DN Việt còn rất nhiều khó khăn, việc tiết kiệm được một đồng cũng rất quý. Đặc biệt, khi chi phí đầu vào được tiết kiệm sẽ tạo điều kiện để DN giảm giá thành sản phẩm, qua đó người tiêu dùng trực tiếp được hưởng lợi; đồng thời cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, cũng như nâng cao sức cạnh tranh chung của quốc gia.

Bên cạnh đó, cùng với việc giảm thuế thu nhập DN, việc giảm phí, lệ phí còn có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần nuôi dưỡng nguồn thu. Cụ thể, khi giảm mức thu phí, lệ phí có thể sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách ở một chừng mực nhất định trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, khi DN được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ ngày càng phát triển, từ đó có đóng góp trở lại lớn hơn vào ngân sách nhà nước. DN phát triển đồng thời sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước…


* Luật sư Nguyễn Trường Sa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh:

Hành động rất hoan nghênh trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn

Nguyễn Trường Sa
Nguyễn Trường Sa

Việc Bộ Tài chính tiến hành rà soát, đề xuất và ban hành nhiều quy định không thu hoặc giảm mức thu phí, lệ phí đối với DN được đánh giá là một trong nhiều động thái tích cực và cùng Chính phủ và các bộ, ngành thiết thực hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của DN. Trong bối cảnh thu ngân sách đang gặp khó khăn, quyết định giảm thu phí, lệ phí này của Bộ Tài chính, dù ít hay nhiều, đều rất đáng hoan nghênh, vì nó cho thấy sự hỗ trợ của Bộ Tài chính cũng như Chính phủ đối với DN được thể hiện bằng những hành động rất cụ thể. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong thực thi chủ trương hỗ trợ DN đã được đề ra trong các nghị quyết của mình.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thêm rằng, gánh nặng đối với DN không chỉ ở các loại phí, lệ phí mà ở cả các loại chi phí “không chính thức”. Điều đó có nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài vấn đề công tác cán bộ, cắt giảm thủ tục hành chính và bãi bỏ điều kiện kinh doanh đã và đang được tập trung xử lý, thì Chính phủ cũng cần xem xét đến cải tiến chất lượng ban hành văn bản pháp luật. Các quy định cần phải được thống nhất, nội dung diễn đạt rõ ràng để tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được. Trong đó, cần sự kết nối cụ thể về thủ tục thực hiện đối với nhiều lĩnh vực khác nhau, tránh tình trạng DN và người dân không biết có phải làm hay không và nếu có thì thực hiện cái nào trước. Trong thời đại Công nghiệp 4.0, Chính phủ cũng cần ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ vào quá trình xử lý thủ tục để rút ngắn thời gian, nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu tiêu cực. Nếu xử lý thành công những vấn đề này thì việc bãi bỏ và cắt giảm chi phí cho DN sẽ càng mang lại hiệu quả lớn và sâu sắc hơn.

* Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Bộ Tài chính đã tạo cơ hội để DN đủ sức cạnh tranh

Ông Mạc Quốc Anh
Ông Mạc Quốc Anh

Trong thời gian gần đây, những quy định về giảm phí, lệ phí, hỗ trợ vốn cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa đã được cải thiện hết sức rõ rệt. Đối với các DN, ngoài việc tiếp cận về vốn, việc tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục của Bộ Tài chính đã tạo cơ hội để DN có thêm thời gian, đủ sức cạnh tranh, bởi vì đối với chúng tôi đó chính là tiền bạc. Trên thực tế, việc giảm phí, lệ phí cho DN trong ngắn hạn có thể giảm nguồn thu, nhưng về dài hạn đây chính là nuôi dưỡng nguồn thu. DN kinh doanh thuận lợi sẽ quay trở lại đóng góp cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước.


* Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

DN đánh giá tích cực là thước đo cao nhất về hiệu quả của chính sách

Nguyễn Minh Phong
Nguyễn Minh Phong

Việc giảm 50% lệ phí thành lập DN là nỗ lực rất trách nhiệm của Bộ Tài chính trong bối cảnh nguồn thu ngân sách ngày càng khó khăn, nhiều khoản thu giảm theo hội nhập. Với một chính sách được DN phản hồi, đánh giá tích cực thì đó chính là thước đo cao nhất về hiệu quả của chính sách.

Tôi hy vọng trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ chủ động thông tin để không chỉ giúp DN hưởng lợi mà còn giúp DN hiểu đúng, hiểu chính xác hơn những chính sách tích cực của Bộ Tài chính.


* Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Thêm “lực đẩy” hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Ông Nguyễn Văn Thanh
Ông Nguyễn Văn Thanh

Hiện nay, DN đặc biệt là bộ phận DN nhỏ và vừa còn hạn chế về nhiều mặt, trong đó có hạn chế về nguồn lực tài chính. Bởi vậy, các quy định điều chỉnh giảm phí, lệ phí để hỗ trợ DN tiết giảm chi phí đầu vào là một động thái rất tích cực của Bộ Tài chính; thể

hiện sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn; hướng đến tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Bộ Tài chính hiện cũng đi đầu trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan – những lĩnh vực tác động rất nhiều đến DN. Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, việc cắt giảm phí, lệ phí cho DN sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy DN phát triển.

Cộng đồng DN kỳ vọng Bộ Tài chính tiếp tục có thêm những nghiên cứu, đề xuất cắt giảm chi phí nhiều hơn nữa cho DN. Bên cạnh đó, các bộ, ngành khác cũng cần có những hành động cụ thể theo định hướng này, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm PV (thực hiện)