Nhiều năm qua, kết quả kinh doanh của 4 ngân hàng yếu kém, nằm trong diện kiểm soát đặc biệt gần như không được công bố công khai. Tuy nhiên, kể từ sau khi được chuyển giao bắt buộc, tình hình tài chính và sức khỏe của các ngân hàng này bắt đầu được bật mí, sau khi 4 "ông lớn" ngân hàng tiếp nhận chuyển giao.
Đưa GPBank và MBV có lãi ngay năm 2025
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, ngay sau khi tiếp nhận CBBank theo diện chuyển giao bắt buộc, Vietcombank khẩn trương rà soát toàn diện hoạt động của tổ chức tín dụng này, nhận diện các rủi ro tiềm ẩn và điểm yếu, từ đó, xây dựng lộ trình hành động phù hợp nhằm phục hồi hoạt động một cách an toàn và hiệu quả.
"VCBNeo đang được định hướng phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, qua đó tối ưu chi phí. Mục tiêu là xây dựng mô hình ngân hàng số có tính tự chủ cao, phục hồi hiệu quả và bền vững. Vietcombank đang tiếp tục hoàn thiện chiến lược toàn diện để tái cấu trúc ngân hàng, chúng tôi chắc chắn lộ trình sẽ thành công và sẽ thông tin thêm khi có kết quả cụ thể" - lãnh đạo Vietcombank cho biết.
![]() |
Hành trình tái sinh ngân hàng yếu kém, hai nhà băng sẽ có lãi năm đầu tái cấu trúc. Ảnh: T.L |
Với DongA Bank (nay là Vikki Bank), ông Phạm Quốc Thanh - Quyền Tổng Giám đốc HDBank cho biết, quá trình tái cấu trúc được chuẩn bị trong suốt hơn 5 năm qua và vẫn đang được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi từ một ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số đang được đẩy mạnh, với hệ thống nhận diện thương hiệu Vikki hiện diện tại hơn 200 điểm giao dịch.
Theo chiến lược, Vikki Digital Bank sẽ tập trung phát triển trên nền tảng số, hướng đến khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với định hướng tích hợp hệ sinh thái tài chính của HDBank. Với nguồn lực nội tại và sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quá trình tái cấu trúc Vikki kỳ vọng đạt được hiệu quả toàn diện như mục tiêu đề ra.
MBV đặt mục tiêu có lãi trong năm 2025, tập trung công nghệ số Lãnh đạo MB nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu có lãi trong năm 2025, MB sẽ giữ nguyên phương án kinh doanh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong đề án 3 năm cho MBV. MB sẽ hỗ trợ MBV rất mạnh mẽ về chuyển giao giải pháp và công nghệ. Chỉ qua công nghệ số thì MBV mới có thể có được doanh số như đề án mong đợi. Với quy mô nhỏ và mới, MBV sẽ tập trung vào việc chăm sóc khách hàng hiện hữu tốt hơn. |
Ông Vũ Thành Trung - Chủ tịch MBV cũng cho biết, các hỗ trợ từ Chính phủ nằm trong đề án mật, song MB hoàn toàn đủ khả năng thực hiện lộ trình tái cơ cấu trong 10 năm như kế hoạch đề ra.
Về phía VPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng tiết lộ rằng ngân hàng đã nhận được danh sách nhân sự do NHNN chuẩn y, đồng thời chuẩn bị cử người sang tiếp quản.
Chiến lược phát triển GPBank hiện do đối tác tư vấn McKinsey thiết kế và sắp hoàn tất. "Chúng tôi tin tưởng là sẽ tái cơ cấu GPBank thành công" - Chủ tịch VPBank nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trước thời điểm chuyển giao, GPBank ghi nhận mức lỗ bình quân khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, VPBank kỳ vọng trong năm nay, dù chỉ còn 8 tháng, GPBank có thể đạt lợi nhuận 500 tỷ đồng. Mục tiêu của VPBank khi tham gia đề án này không nằm ở lợi nhuận tài chính ngắn hạn, mà là đạt tăng trưởng tín dụng 35% trong vòng 5 năm, góp phần mở rộng quy mô, vốn là ưu tiên số một của ngân hàng.
Lập ngân hàng số thế hệ mới, mở thời cơ đón vốn ngoại
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán VPBankS nhìn nhận, sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới đang góp phần hình thành hành lang pháp lý mới cho các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
![]() |
NHNN hoàn tất quá trình chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém sau gần một thập kỷ. Ảnh: T.L |
Tiến trình xử lý các ngân hàng “0 đồng”, vốn được quốc hữu hóa vào năm 2017 diễn ra khá chậm cho đến khi xuất hiện loạt thông báo dồn dập trong giai đoạn từ quý IV/2024 đến quý I/2025. Dù động thái này được coi là một biện pháp “làm sạch" hệ thống, trên thực tế, đây chính là lần mở cửa đáng kể nhất với nhà đầu tư nước ngoài sau gần một thập kỷ “đóng băng", kể từ khi giấy phép ngân hàng nước ngoài cuối cùng được cấp cho Ngân hàng UOB vào năm 2017.
"Thông qua việc chuyển giao các ngân hàng “0 đồng” dưới hình thức pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các ngân hàng này có thể được bán 100% cho nhà đầu tư nước ngoài mà không cần sửa đổi luật hiện hành" - nhóm phân tích nhận định.
Một điểm đáng chú ý là ngoại trừ Dong A Bank, cả ba ngân hàng “0 đồng” còn lại đều có mạng lưới chi nhánh hạn chế, nhờ đó, trở thành lựa chọn lý tưởng để tái cấu trúc thành ngân hàng số. Vietcombank, MB và HDBank nhanh chóng công bố thương hiệu ngân hàng mới, phản ánh định hướng trở thành ngân hàng số.
Cũng theo nhóm phân tích, có khả năng tồn tại một “cam kết ngầm” rằng NHNN sẽ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng số thuần túy trong tương lai gần. Đây là một dạng ưu đãi gián tiếp dành cho các tổ chức nhận chuyển giao ngân hàng “0 đồng”, vốn phải mất nhiều năm để xử lý rủi ro và tái cấu trúc.
Cũng cần lưu ý rằng, NHNN cũng thiết lập một loạt ưu đãi đặc biệt dành cho các ngân hàng tham gia chuyển giao bắt buộc các ngân hàng “0 đồng”, trong đó, các nhà băng được hưởng hạn mức tăng trưởng tín dụng vượt trội.
Hoàn tất chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém, SCB chờ phê duyệt phương án Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á, sau gần một thập kỷ đặt các ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt, một dấu mốc quan trọng trong lộ trình xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Theo đó, ngày 17/10/2024, Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và OceanBank cho MB. Ba tháng sau, ngày 17/01/2025, GPBank chuyển giao cho VPBank; Dong A Bank cho HDBank. Hiện OceanBank đã đổi tên thành MBV; CB đổi tên thành VCBNeo. Dong A Bank được đổi tên thành Vikki Bank. Trên cơ sở phương án cơ cấu lại SCB của nhà đầu tư, NHNN cho biết đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu lại SCB. Ngày 18/4/2025, NHNN đã có Tờ trình số 40/TTr-NHNN trình Thủ tướng Chính phủ về việc giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ. NHNN đang tiếp tục hoàn thiện phương án cơ cấu lại SCB và sẽ có tờ trình báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. |