Tháng 1/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố việc chuyển giao GPBank cho VPBank và DongABank cho HDBank. Sự kiện này nối tiếp việc chuyển giao tương tự đã được công bố trước đó vào tháng 11/2024 về việc chuyển giao CBBank cho Vietcombank và Oceanbank cho MBBank.

Trông mong vực dậy ngân hàng yếu kém

Việc chuyển giao được thực hiện theo chương trình tái cơ cấu của NHNN nhằm bảo vệ các chủ nợ và phục hồi hoạt động của ngân hàng trở lại bình thường. Trước khi chuyển giao, bốn ngân hàng được NHNN kiểm soát đặc biệt sau nhiều năm tích lũy đáng kể nợ xấu và lỗ lũy kế.

Kỳ vọng vực dậy ngân hàng yếu kém hậu chuyển giao, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trên thực tế, các ngân hàng mẹ có thể tìm cách thay tên đổi họ, "thay máu" nhân sự ngân hàng con, hoặc bơm thêm tiền giúp những ngân hàng con trở thành những ngân hàng hoạt động an toàn, có lợi nhuận, đây là điều ai cũng mong muốn.

Đến nay, 3/4 ngân hàng yếu kém hoàn thành chuyển giao bắt buộc đã được đổi tên, thay áo mới và có chung định hướng phát triển thành ngân hàng số, duy nhất GPBank chưa đổi tên là. Riêng SCB vẫn nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, theo vị chuyển giao này, các ngân hàng 0 đồng có 8-10 năm xử lý, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém nhưng vẫn không vực dậy được, các ngân hàng này không thể tự đứng trên hai chân.

"Phép màu nào thay đổi được điều đó hay không, chỉ trong vòng 2 năm tới, chúng ta sẽ sớm thấy kết quả sau khi chuyển giao bắt buộc" - ông Hiếu dự báo.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng NHNN cho phép ngân hàng nhận chuyển giao sáp nhập tất cả những tài sản, nợ của ngân hàng được chuyển giao vào các ngân hàng mẹ, trừ lỗ của ngân hàng, điều này đi ngược với nguyên tắc hạch toán kế toán và những khoản lỗ lớn không được tính vào bảng cân đối kế toán.

Cũng theo ông Hiếu, hiện có một số ngân hàng báo cáo lãi dự thu lớn trong ngắn hạn, khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đây là một điểm rất nguy hiểm bởi trong tương lai, lãi dự thu đó không thu được lại trở thành chi phí và phải trừ đi khi hạch toán. Khi "tài sản ảo" quá lớn, chi phí loại trừ nhiều, ngân hàng có thể chịu lỗ nặng và gây âm vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

chuyển giao ngân hàng yếu kém
Hưởng ưu đãi sau khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, "thay áo" kỳ vọng đổi vận. Ảnh minh hoạ.

Trước khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng, giai đoạn 2007- 2013, các chỉ số về tổng tài sản, dư nợ cho vay, huy động vốn của ngân hàng này liên tục tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, sau khi những sai phạm xảy ra, nợ xấu đầu năm 2014 của OceanBank là 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% dư nợ toàn hệ thống, lỗ trên 10 nghìn tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu.

Năm vừa qua, ngân hàng OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc về với ngân hàng MB và "thay áo" thành MBV để mang đến những giải pháp tài chính sáng tạo, linh hoạt cho khách hàng. Từ thời điểm nhận chuyển giao, MB đã cử đội ngũ nhân sự tinh nhuệ gần 80 người cũng như triển khai nhiều công nghệ nhằm kiện toàn bộ máy của MBV. MB kỳ vọng tăng trưởng tín dụng nhanh hơn 1,5-2 lần so với trung bình của ngành sau khi nhận được nhiều lợi ích hậu quá trình chuyển giao.

Với Dong A Bank, năm 2012 ngân hàng này có thị phần cho vay vào khoảng 1,6% toàn ngành, xếp thứ 9 trong hệ thống về mạng lưới giao dịch, mảng thẻ thanh toán cũng từng đạt vị trí trong nhóm dẫn dầu. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2013-2014, ngân hàng này phải đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khi các cán bộ ngân hàng có nhiều sai phạm trong việc xét duyệt hồ sơ tín dụng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Tính đến năm 2015, tổng dư nợ liên quan đến các sai phạm phê duyệt tín dụng lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng trong khi cho vay khách hàng gần 52 nghìn tỷ đồng. Dù đã thu hồi được hơn 17 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn 2015-2019, tại thời điểm đó ngân hàng vẫn còn tồn đọng khoảng 24 nghìn tỷ đồng chưa xử lý. DongA Bank bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ giữa năm 2015. Sau 10 năm, DongABank được chuyển giao bắt buộc cho HDBank, nay là Vikki Bank đầu năm 2025.

Nhiều ưu đãi, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng

Trong báo cáo đánh giá về triển vọng tăng trưởng sai khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng HDBank tiếp tục duy trì tăng trưởng về quy mô tín dụng nhờ cơ chế ưu đãi từ NHNN đối với ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được hưởng những hỗ trợ từ NHNN. HDBank cũng có thể tận dụng hệ thống 200 chi nhánh và phòng giao dịch sẵn có để nâng cao nhận diện thương hiệu.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, NHNN cũng tạo điều kiện để tăng trưởng về tổng tài sản cũng như khả năng sinh lời thông qua việc linh hoạt sử dụng nguồn vốn cho vay và đầu tư.

Các ngân hàng lớn tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém của NHNN đã cung cấp nguồn lực quản lý và kỹ thuật cho các ngân hàng được chuyển giao nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh, chính sách và quy trình hoạt động.

Theo đánh giá từ Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), các ngân hàng lớn này sẽ nhận được một số lợi ích và miễn trừ từ NHNN, bao gồm tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng cùng ngành, từ đó, tăng trưởng tài sản và lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, hạ yêu cầu dự trữ bắt buộc 50%, nhờ đó, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhờ có thêm nguồn lực để cho vay.

Hưởng ưu đãi sau khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, "thay áo" kỳ vọng đổi vận
Nguồn: VIS Rating.

Cùng với đó, các ngân hàng lớn được hỗ trợ thanh khoản thông qua việc vay tái cấp vốn từ NHNN với lãi suất thấp, cho phép phát hành trái phiếu dài hạn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Nhờ đó, giảm gánh nặng tài chính và thanh khoản trong việc hỗ trợ các ngân hàng được chuyển giao.

Rủi ro tài sản có thể tăng

"Trong bối cảnh kinh tế và nhu cầu tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, rủi ro tài sản có thể tăng tại các ngân hàng nhận chuyển giao do sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cao hơn để mở rộng cho vay tại một số ngành, từ đó làm tăng rủi ro cho vay tập trung và khả năng dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro sự kiện" - ông Nguyễn Đức Huy - VIS Rating đánh giá.

Ngoài ra, còn có các miễn trừ theo quy định khi không hợp nhất báo cáo tài chính với ngân hàng được chuyển giao và loại bỏ các khoản cho vay ngân hàng được chuyển giao khi tính toán các tỷ lệ an toàn. Tuy nhiên, theo VIS Rating, quy định này không phản ánh đầy đủ rủi ro tài sản.

Bà Phan Thị Vân Anh - Giám đốc Khối nghiên cứu, phụ trách mảng ngân hàng và công ty chứng khoán VIS Rating cho rằng, tác động trực tiếp từ các ngân hàng mới được chuyển giao tới các ngân hàng lớn là không đáng kể, do quy mô các ngân hàng được chuyển giao còn tương đối nhỏ so với các ngân hàng lớn và các ngân hàng lớn có đủ nguồn lực để hấp thụ và quản lý hoạt động của ngân hàng được chuyển giao.

Ngoài ra, một số ngân hàng lớn có kế hoạch bơm vốn mới vào các ngân hàng được chuyển giao sau khi lỗ lũy kế giảm hoặc được giải quyết toàn bộ. Bộ đệm vốn mạnh hơn sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán và sự phục hồi của các ngân hàng được chuyển giao trước những cú sốc trong tương lai, nâng cao niềm tin của thị trường vào khả năng hoạt động liên tục của các ngân hàng được tái cơ cấu./.