PV: Những tháng đầu năm 2022, áp lực lên lạm phát là rất lớn nhưng chúng ta đã khá thành công khi lạm phát bình quân tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh việc tăng cường quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tài khóa nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?

Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát
Ông Võ Thành Hưng

Ông Võ Thành Hưng: Từ đầu năm đến nay giá cả thế giới tăng nhanh đã tác động lên thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị, tác động đến giá cả hàng hóa, trong đó có lương thực, thực phẩm tăng đột biến. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã kéo theo giá cả tăng, trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu, đã tác động lên lạm phát.

Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát cũng tăng cao, như Mỹ so với cùng kỳ năm trước tăng đến trên 8%. Tương tự tại châu Âu và các nước trong khu vực lạm phát cũng tăng cao.

Ở Việt Nam, lạm phát bình quân quý I/2022 năm nay so với năm trước tăng 1,92%, tôi cho rằng, đây là mức tăng vừa phải.

Để đạt kết quả đó, có tác động về điều chỉnh chính sách tài khóa trong đó có điều chỉnh chính sách thuế. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT (trừ một số nhóm hàng); thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; giảm nhiều loại thuế, phí trong đó có lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước…

Trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế BVMT đối với xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng giảm từ 1.100 đến 2.200/lít, kg (tùy loại).

Ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính    	    								     Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất khoảng 135 nghìn tỷ đồng, trong thời gian từ 3-6-9 tháng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí vay, như khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho các doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào sẽ giảm áp lực chi phí đẩy và giúp lạm phát được kiềm chế ở mức trong quý I/2022.

PV: Thực tiễn cho thấy, vẫn còn rất nhiều thách thức trong công tác điều hành giá trong thời gian tới, vậy Bộ Tài chính sẽ triển khai những giải pháp gì để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, tôi cho rằng, chúng ta phải xử lý đồng thời cả 3 hướng: Giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã họp và các bộ, cơ quan trung ương cơ bản đã thống nhất từ nay đến cuối năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến rổ hàng hóa, từ đó có giải pháp điều hành phù hợp.

Thứ hai, chúng ta thực hiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, để tăng cung hàng hóa trong nước.

Thứ ba, làm tốt công tác điều hành thị trường, để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Thứ tư, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ; mọi người dân và doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác động của giá thế giới tới thị trường trong nước.

Nếu không có đột biến, có thể kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu

Trước ý kiến lo ngại liệu chính sách còn dư địa để hoàn thành mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm 2022 hay không, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp và các cơ quan đã cơ bản thống nhất, trong điều kiện không có đột biến lớn, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành chỉ tiêu lạm phát năm nay theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp có biến động đột biến, chúng ta tiếp tục có giải pháp phù hợp.

PV: Thưa Thứ trưởng với các giải pháp về tài khóa, thực hiện giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 dự kiến lên đến khoảng 90.000 tỷ đồng, có ý kiến lo ngại liệu rằng chúng ta có hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) hay không?

Ông Võ Thành Hưng: Trong gói hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ước tính giảm thu khoảng 64.000 tỷ đồng. Đó là đã tính đến trong trường hợp cần thiết, tăng bội chi và Quốc hội đã cho phép.

Ngoài ra, trong năm 2022 tiếp tục giảm thêm thuế BVMT đối với xăng dầu; thực hiện giãn một số loại thuế, tiền thuê đất…, tất nhiên là có tác động, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng trên cơ sở tăng trưởng của quý I/2022 là 5,03% và dự kiến có thể ở mức cao hơn trong các quý tiếp theo; bên cạnh đó, nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, thì dự kiến thu NSNN trong năm nay có thể đạt và vượt kế hoạch.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phải kiểm soát được những yếu tố gây ra lạm phát

Khi xây dựng mục tiêu lạm phát 4% cho năm 2022, chúng ta không thể dự báo và đánh giá hết những khó khăn đã xuất hiện ngay từ đầu năm, cũng như diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới. Do đó, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2022, áp lực lạm phát của kinh tế nước ta xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như chuỗi cung ứng trong nước.

Trong đó, giá xăng dầu tăng rất cao, tăng khoảng 60% tính từ đầu năm đến nay. Giá xăng dầu tăng là áp lực rất lớn với nền kinh tế, vì xăng dầu là nguyên vật liệu huyết mạch, tác động làm tăng giá nhiều loại hàng hóa khác. Các quyết định về đầu tư, kinh doanh đều phải được tính toán trên mặt bằng giá mới này, nó làm cho chi phí đầu vào cao hơn, làm cho thu nhập thực của người dân bị giảm, làm giảm sức chi tiêu và giảm tổng cầu, tác động rất mạnh đến nền kinh tế.

Muốn “bắt bệnh phải bốc đúng thuốc”, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, muốn kiểm soát lạm phát thì phải kiểm soát được những yếu tố gây ra lạm phát. Trong đó, yếu tố đầu tiên quan trọng nhất là kiểm soát nguồn cung, vì áp lực lạm phát năm nay đến từ việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là cung về xăng dầu. Giải pháp tiếp theo là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng…

Trong nhóm các giải pháp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, giải pháp quan trọng nhất đó là về phối hợp điều hành, các bộ, ngành địa phương. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi diễn biến cung cầu thị trường, chủ động đề xuất các phương án điều hành, bình ổn giá, nhất là đối với các hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường... Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để có biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.