* Bộ Tư pháp là đơn vị tiên phong thực hiện giao quyền tự chủ theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, xin ông cho biết, bộ đã giao cho mấy đơn vị?
|
- Bộ Tư pháp mới giao cho 2 đơn vị là Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại Đà Nẵng. Đây cũng là 2 trong số it các đơn vị đầu tiên của cả nước được thực hiện hình thức xác định giá trị tài sản và giao tài sản cho đơn vị theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
Có 2 đơn vị là Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại Hà Nội và Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại TP. Hồ Chí Minh, mặc dù đã được giao tự chủ 100%, nhưng vì chưa có trụ sở, hiện vẫn phải đi thuê chỗ làm việc, nên hàng năm, vẫn phải hỗ trợ kinh phí thuê trụ sở. Sau này, khi 2 đơn vị có trụ sở, Bộ Tư pháp cũng sẽ thực hiện việc giao vốn tự chủ cho các đơn vị trên.
* Chỉ có 2 đơn vị được giao quyền tự chủ, con số này liệu có ít, so với 19 đơn vị sự nghiệp công lập, mà Bộ Tư pháp hiện có?
- Sau khi có Thông tư số 12/2012/TT- BTC ngày 6/2/2012 của Bộ Tài chính về xác định tiêu chí để định giá tài sản giao cho đơn vị tự chủ, theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã có công văn, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập lập hồ sơ, trình bộ xem xét, quyết định giao tài sản cho đơn vị quản lý.
Tuy nhiên, do đây là một chủ trương mới, nên các đơn vị sự nghiệp vẫn còn mang tâm lý e ngại, vẫn còn đang nghe ngóng xem qua lần giao này có ưu điểm gì nổi trội, lúc đó họ mới đăng ký đề nghị được giao quyền tự chủ.
Chúng tôi hy vọng trong năm 2015, sẽ có thêm 2 đơn vị nữa thực hiện cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
* Bộ Tư pháp là một trong số các đơn vị tiên phong trong cả nước, chắc không tránh khỏi những khó khăn khi thực hiện, thưa ông?
- Đúng là có rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Cụ thể, sau khi nhận được hồ sơ (đề nghị được giao quyền tự chủ) của 2 đơn vị nói trên, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định toàn bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật làm căn cứ giao vốn. Tuy nhiên, hồ sơ đã gặp vướng mắc liên quan đến sự phối hợp của chính quyền địa phương.
Ví dụ, Báo Pháp luật Việt Nam có 3 cơ sở tại Hà Nội, Đà Lạt và Cần Thơ. Riêng chỗ đất tại Cần Thơ, khi chúng tôi đề nghị UBND thành phố cho ý kiến về xác định giá trị quyền sử dụng đất, để tính ra giá trị đất hiện tại đã mất rất nhiều thời gian.
Việc thẩm định giá trị tài sản cũng có sự chênh nhau giữa giá thẩm định và nguyên giá theo dõi trên sổ sách kế toán. Ví dụ, tại thời điểm năm 2000, để xây dựng 1m2 sàn chỉ vào khoảng 2- 3 triệu đồng, nhưng thời điểm hiện tại phải là 7- 8 triệu đồng mới xây dựng được 1m2 sàn.
Những tài sản, qua hàng chục năm sử dụng, đã xuống cấp, tuy nhiên, khi định giá, tài sản này vẫn có giá trị rất cao, nên phải có sự trao đổi lại giữa đơn vị quản lý, với các trung tâm thẩm định để có một căn cứ thống nhất làm cơ sở tính giá trị tài sản. Nếu không, khi giao cho đơn vị mà không có cơ sở để tính khấu hao tài sản là không được, sau này rất khó thu hồi giá trị tài sản để tái đầu tư.
Ngoài ra, theo tôi, cái khó khăn nhất nằm ở nhận thức của một số thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập.
Phải nói là thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính rất mở, khi quy định các đơn vị được giao tự chủ toàn bộ hoặc đơn vị được giao tự chủ từ 10% trở lên, đều có thể đăng ký, nếu có đủ điều kiện. Thế nhưng, khi Bộ Tư pháp có công văn yêu cầu đơn vị đăng ký, họ cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề này. Vì thế, cho tới bây giờ, chúng tôi cũng mới chỉ nhận được bản đăng ký của 2 đơn vị và đã thực hiện.
* Với những vướng mắc này, Bộ Tư pháp đã có bước đi như thế nào để khắc phục?
- Sau khi các đơn vị gửi hồ sơ đăng ký lên, Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tổ chức thực hiện, như: hướng dẫn các đơn vị, khi xác định giá trị quyền sử dụng đất, phải lấy ý kiến của UBND cấp tỉnh, về trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị; thành phần hồ sơ trình.
Hay như, hướng dẫn xác định giá trị tài sản liên quan, vì 1 đơn vị, ngoài bất động sản là trụ sở, còn có nhiều tài sản khác là các phương tiện đi lại, máy móc, trang thiết bị làm việc. Nếu căn cứ trên sổ sách kế toán thì rất dễ, nhưng trong việc giao vốn này, phải căn cứ vào thực tế như giá trị đất, nhà cửa phải theo giá thị trường.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp cũng thường xuyên trao đổi với Bộ Tài chính để bàn cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Hơn nữa, Bộ Tư pháp cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giải thích rõ ưu, nhược điểm của cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, để thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập hiểu rõ, mạnh dạn xin được tự chủ.
* Vì đây là một cách làm mới, các đơn vị đi đầu khó tránh khỏi những khó khăn. Nếu họ vượt qua, làm tốt sẽ là nhân tố điển hình. Ngược lại, nếu làm không tốt, sẽ làm “thui chột” ý chí của các đơn vị đi sau. Bộ Tư pháp có lường trước điều này và có hỗ trợ gì cho 2 đơn vị tiên phong?
- Với 2 đơn vị xung phong đi đầu, trong quá trình tổ chức thực hiện có những vấn đề gì vướng mắc, Bộ Tư pháp phải kịp thời phối hợp xử lý, tháo gỡ. Ví dụ, về mặt thể chế trong lĩnh vực quản lý tài sản công, Bộ Tư pháp có thể kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Bộ Tài chính, Chính phủ để xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Đối với các thể chế về mặt tài chính thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp quản lý, Vụ Kế hoạch- Tài chính là cơ quan tham mưu giúp bộ sẽ có các hướng dẫn kịp thời cho đơn vị.
Mục tiêu của chúng tôi, đến hết năm nay, mô hình giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế giao vốn sẽ thuận lợi, có tính hiệu quả cao sẽ là khởi đầu tốt cho cho các đơn vị khác học tập.
Nếu hiệu quả cao và tạo chủ động cho đơn vị, họ sẽ tích cực tham gia ngay, nhưng nếu giao mà mang tính gò bó hơn, mất chủ động của đơn vị và gây khó khăn phiền hà hơn thì sẽ rất khó thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Bộ Tư pháp cũng muốn, từ kết quả này cũng có ít nhất 50% đơn vị được thực hiện cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
Vừa qua chúng tôi cũng có ý kiến với Bộ Tài chính cùng phối hợp, nếu có gì vướng mắc sẽ cùng tháo gỡ, để nhân rộng mô hình này, giúp giảm tải cho ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động cho các đơn vị.
* Xin cảm ơn ông!
Bộ Tư pháp có 19 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ và 7 đơn vị trực thuộc các Cục. Hiện có 11 đơn vị được giao tự chủ tài chính một phần, 4 đơn vị được giao tự chủ tài chính 100% và 4 đơn vị sự nghiệp công lập nhưng ngân sách nhà nước cấp 100%. Ngày 24/7/2014, Bộ Tư pháp đã thực hiện ký biên bản bàn giao tài sản cho Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại Đà Nẵng. Trong đó, tài sản giao cho báo pháp luật có trị giá 73 tỷ 722 triệu đồng bao gồm cả bất động sản và tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị. Tài sản giao cho Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại Đà Nẵng có trị giá trên 7 tỷ đồng bao gồm trụ sở, các phương tiện làm việc. |
Hạnh Thảo