Ngày 11/10/206, Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Y tế, Công thương thành lập đoàn công tác hướng dẫn giám sát triển khai Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Tồn hơn 2.000 tấn hải sản, trị giá 110,2 tỷ đồng

Theo ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, đến ngày 10/10/2016 tỉnh đã tiến hành xác định đối tượng, phát phiếu kê khai cho các đối tượng bị thiệt hại tại 344 thôn, xóm (còn 7 thôn người dân chưa phối hợp kê khai) thuộc 63 xã, phường của 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Số lượng kê khai thiệt hại bước đầu: 6.983 tàu cá; 2.259 ha nuôi ao, hồ, bãi triều, 31.692m3 nuôi lồng bè; 127ha sản xuất muối; 47.960 lao động bị ảnh hưởng (trong đó, lao động trực tiếp 44.280 người); số lượng hải sản tồn kho hơn 2.000 tấn và hiện còn đang tiếp tục bổ sung, thẩm định.

Qua khảo sát thực tế của đoàn kiểm tra liên bộ tại hai huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên cũng cho thấy, tình hình tiêu thụ hàng tồn kho của ngư dân hết sức khó khăn, do tâm lý người dân còn ngại sử dụng. Hoạt động kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thủy sản tại các chợ trên địa bàn tỉnh gần như đình trệ.

Mặc dù các bộ, ngành trung ương đã công bố các loại hải sản an toàn có thể sử dụng làm thực phẩm, nhưng hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ thủy sản tại chợ chưa cũng chưa có chuyển biến tốt. Hiện hải sản tồn tại các kho đông lạnh và các cơ sở chế biến lớn lên tới 2.032,8 tấn, trị giá khoảng 110,2 tỷ đồng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản cũng hết sức khó khăn. Các sản phẩm chế biến từ thủy sản như ruốc, nước mắm... tồn kho cao, khách hàng từ chối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Đến nay, sau 6 tháng xảy ra sự cố, tình hình tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, theo phản ánh của bà con xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch ngoài khu du lịch biển cũng bị ảnh hưởng, với doanh thu giảm 30- 40% so với cùng kỳ năm 2015.

Để giải quyết vấn đề lượng hải sản tồn kho, lưu kho tại các cơ sở thu mua, tạm trữ thuỷ sản, địa phương đã đề nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm trong tháng 10/2016. “Phải giải quyết dứt điểm vấn đề tồn kho, nếu quá thời hạn sử dụng thì phải tiêu hủy để không dẫn đến ô nhiễm môi trường cũng như tốn chi phí lưu kho”, ông Trần Hữu Duyệt- Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng kiến nghị.

Oai
Đoàn công tác đang lắng nghe ý kiến của người dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: HH

Tập trung gỡ khó cho người dân và cơ sở sản xuất

Là những người trực tiếp hỗ trong việc xác nhận và đền bù cho ngư dân, lãnh đạo các thôn, xã, huyện đều nêu rõ một thực trạng, đó là: Mặc dù chính sách đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất trên 90CV của Trung ương và của tỉnh đã có, nhưng tàu thuyền khai thác hải sản của tỉnh chủ yếu (chiếm 95%) khai thác vùng lộng và gần bờ (trong 20 hải lý). Hầu hết ngư dân còn thiếu năng lực, kinh nghiệm, nguồn vốn và các điều kiện khác. Bởi vậy, việc chuyển đổi từ khai thác vùng lộng và ven bờ sang khai thác xa bờ cho ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, quá trình rà soát đối tượng và tổ chức kê khai phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc xác định đối tượng, phương pháp thống kê, kiểm đếm, tính toán thiệt hại, phương pháp tổng hợp số liệu…; đặc biệt khó khăn nhất là việc xác định đối tượng và số lượng thiệt hại phải đảm bảo chính xác, trung thực, đúng thực tế.

Trước những đề xuất đó, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bồi thường cho người dân bị thiệt hại. Tập trung cho công tác tuyên truyền, đồng thời thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, giám sát hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bồi thường đảm bảo chặt chẽ, chính xác, khách quan, đúng quy định.

Ngoài ra, để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ ban hành sớm chính sách khôi phục, phát triển sản xuất. Theo đó, đề nghị Chính phủ cho các tỉnh dự phòng một khoản kinh phí để chủ động xử lý một số trường hợp đặc biệt như: Các trường hợp chưa thống kê được, dự phòng phát sinh đối tượng, số lượng thiệt hại… và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc chi khoản dự phòng này…

Kết thúc buổi làm việc tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, việc giải quyết đền bù cho ngư dân còn dài hơi, cần sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, tránh bức xúc trong dân. Muốn tránh thì phải giải quyết triệt để kiến nghị của người dân nếu phù hợp./.

Phúc Nguyên