Bước ngoặt mới trong hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Australia
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Australia những năm gần đây?

Bước ngoặt mới trong hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Australia

Ông Ngô Công Thành: Qua các con số thống kê, có thể thấy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Năm 2022, thương mại song phương đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt gần 14 tỷ USD.

Năm 2023 Australia tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Australia và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Australia).

Đặc biệt, hiện nay Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá (chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới), quặng và các loại khoáng sản (chiếm 44,78%) năm 2023.

Hợp tác giữa hai bên sẽ gặt hái thêm nhiều thành quả

Cùng với những nền tảng đã đạt được qua 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và dấu ấn mới khi quan hệ hai nước được

nâng cấp, chắc chắn sự hợp tác giữa hai bên sẽ gặt hái thêm nhiều thành quả nổi bật, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, đáp ứng nhu cầu của mỗi nước cũng như thích ứng với bối cảnh tình hình mới của khu vực và thế giới.

Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện các doanh nghiệp Australia đã đầu tư vào Việt Nam 631 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,037 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 133 dự án, có tổng vốn đăng ký 954,68 triệu USD; dịch vụ lưu trú và ăn uống đứng thứ 2 với 31 dự án, có tổng vốn đăng ký 154,32 triệu USD; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ 3 với 25 dự án, có tổng vốn đăng ký 120,04 triệu USD. Việt Nam cũng đã đầu tư sang Australia hơn 90 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, Australia là một trong những đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam với tổng vốn ODA lũy kế xấp xỉ 3 tỷ AUD, trong đó, hai bên đã phối hợp triển khai nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

PV: Theo ông, nguyên nhân nào đã thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước đạt được bước tiến tích cực như vậy?

Ông Ngô Công Thành: Những kết quả đạt được trên là nhờ Chính phủ hai nước đều quan tâm, coi kinh tế - thương mại là một trong ba trụ cột và là trụ cột số 1 trong Chương trình hành động đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2023.

Quy mô thương mại song phương Australia - Việt Nam liên tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác một số hiệp định thương mại đa phương. Hiện nay, Việt Nam và Australia hiện là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN Australia - New Zealand (AANZFTA).

Từ năm 2020, Australia đã xóa bỏ hết thuế suất đối với 100% biểu thuế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam kể từ năm 2020, theo cam kết tại AANZFTA và tác động của CPTPP.

PV: Tuy nhiên thì những kết quả này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác của hai nước. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Ngô Công Thành: Đúng như vậy. Tuy đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia còn thiếu ổn định và chưa đạt yêu cầu tăng trưởng bền vững. Nguyên nhân chủ yếu do tính cạnh tranh còn thấp bởi hạn chế về quy mô, trình độ sản xuất và năng suất lao động. Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin và chưa nắm bắt hết cơ hội được tạo ra từ các cam kết FTA.

Về thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp Australia vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam do các nguồn, kênh thông tin còn quá hạn chế, thông tin chưa rõ ràng. Thủ tục hành chính ở Việt Nam vẫn còn những bất cập… Đặc biệt, Việt Nam thiếu nguồn lao động trình độ cao có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Australia.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đầu tư vào Australia còn ít là do năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Mặt khác, Việt Nam đang thực hiện chính sách quản lý, kiểm soát tương đối chặt chẽ đầu tư ra nước ngoài do nhu cầu cao về đầu tư trong nước. Theo Luật đầu tư năm 2020, để được phép đầu tư ra nước ngoài các nhà đầu tư phải trải qua một quy trình cấp phép, với nhiều thủ tục khác nhau và phải cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ.

PV: Việt Nam và Australia vừa chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian tới?

Ông Ngô Công Thành: Các nước ASEAN đều đánh giá rằng, Australia là một trong những đối tác chiến lược toàn diện có nhiều hợp tác thực chất, hiệu quả với các thành viên của khối. Trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam – Australia, hai bên đã có nhiều cam kết liên quan đến việc củng cố, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, một trong “năm cái hơn” khi quan hệ song phương được nâng cấp là hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư cao hơn. Theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương và khẳng định Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác này.

Cùng với những nền tảng đã đạt được qua 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước và dấu ấn mới khi quan hệ hai nước được nâng cấp, chắc chắn sự hợp tác giữa hai bên sẽ gặt hái thêm nhiều thành quả nổi bật, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, đáp ứng nhu cầu của mỗi nước cũng như thích ứng với bối cảnh tình hình mới của khu vực và thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!