Cải tiến quy trình nghiệp vụ và ứng dụng  công nghệ để cải cách hải quan
Công nghệ hiện đại được ngành Hải quan liên tục cập nhật vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân vừa phục vụ tôt hơn công tác quản lý. Ảnh: TL

Tập trung vào việc đơn giản hóa

Triển khai kế hoạch chuyển đổi số, Tổng cục Hải quan đã có nhiều giải pháp. Trước hết, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hải quan cho cán bộ, công chức hải quan trong toàn ngành, cho người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, trong đó tập trung qua Cổng Thông tin điện tử của ngành Hải quan, tuyên truyền trên báo chí, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng... Đồng thời khuyến khích tăng cường tương tác giữa cán bộ hải quan với người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội...).

Tổng cục Hải quan cũng sẽ xây dựng hoàn thiện pháp luật về Hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch phù hợp với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan sửa đổi, đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, biên giới thông minh và hải quan xanh.

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số

Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan” phục vụ các hoạt động nghiệp vụ hải quan giai đoạn trong thông quan thay thế cho Hệ thống VNACCS/VCIS.

Theo bà Bùi Minh Hải - Phó Trưởng phòng, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), về thể chế, thời gian qua, ngành Hải quan đã cải cách rất nhiều. Nhưng với mục tiêu là phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, phục vụ công tác quản lý nhà nước tốt hơn thì ngành Hải quan luôn mong muốn được tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Với mong muốn đó, tới đây, công tác cải cách thể chế của hải quan cũng sẽ tập trung vào việc đơn giản hóa đó. Để tiến tới hải quan số, ngành Hải quan cũng sẽ cắt giảm hơn nữa các bước, các khâu của các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện nay, hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành nhóm II của các bộ, ngành là khi làm thủ tục sẽ rơi vào luồng vàng

Tuy nhiên, khi xây dựng hải quan số với các yêu cầu cải cách thì cơ quan hải quan đã tính toán, đưa ra các yêu cầu, bài toán nghiệp vụ để không phải 100% nhóm II đều sẽ bị rơi vào luồng vàng mà sẽ căn cứ vào dữ liệu đầu vào, đối chiếu khai báo của doanh nghiệp với dữ liệu của hải quan và dữ liệu của bộ, ngành để hệ thống hải quan số tự kiểm tra đối chiếu. Hàng hóa phải có cán bộ hải quan trực tiếp kiểm tra thì chỉ là những trường hợp đặc biệt.

Nếu việc khai báo của doanh nghiệp phù hợp với dữ liệu cơ quan hải quan có thì tờ khai sẽ được phân luồng xanh. Qua đó góp phần tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng vàng. Đấy cũng là một điểm cải cách rất lớn mà ngành Hải quan mong muốn triển khai để đưa lại những hiệu quả rõ rệt hơn cho doanh nghiệp.

Bà Hải cho biết thêm, ngành Hải quan cũng đặt ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng hệ thống công nghệ hiện đại vào công tác quản lý rất nhiều. Đấy chính là thể hiện những cải cách của ngành Hải quan. Cải cách có thể xuất phát từ văn bản pháp luật nhưng công tác tổ chức thực hiện, công tác tác động trực tiếp thế nào với người dân, với doanh nghiệp thể hiện bằng hệ thống công nghệ thông tin

Cần sự hỗ trợ của các bên liên quan

Cải tiến quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ để cải cách hải quan
Xây dựng mô hình hải quan thông minh, nâng cao năng lực quản lý hải quan. Đồ họa: TL

Hiện nay, Hải quan Việt Nam đang xây dựng Hải quan số. Việc xây dựng đã được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương và đang thực hiện triển khai.

Ngành Hải quan có thuận lợi là Chiến lược, Kế hoạch chuyển đổi số đều đã có, ý chí lãnh đạo rất thấm nhuần (từ người đứng đầu là Tổng cục trưởng đến lãnh đạo các cấp cục, vụ và hải quan địa phương). Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các bộ, ngành cũng rất quan trọng.

Để thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi số, ngoài nỗ lực nội ngành khi xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số hướng tới hải quan thông minh, ngành Hải quan thực hiện triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành. Kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với: các bộ, ngành; các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành; các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh; các bên có liên quan.

Tới đây, Hải quan Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành kế hoạch triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg; Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg và kết luận của Chủ tịch Ủy ban 1899 tại phiên họp của Ủy ban 1899.

Đồng thời tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ ban hành các thể chế, chính sách nhằm phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa ASEAN với các nước thành viên ASEAN và theo lộ trình, kế hoạch chung của ASEAN; tiếp tục triển khai kết nối với các đối tác ngoài ASEAN theo đúng các điều ước, thỏa thuận quốc tế.

Đặc biệt, luôn phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nhằm chung tay hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế tại Việt Nam./.