PV: Theo ghi nhận từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Ông đánh giá thế nào về những con số trên?

Trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân, tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

TS. Phan Phương Nam: Thông tin trên cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã và đang tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế phát triển. Cùng với mặt tích cực này, sự phát triển và khoa học công nghệ máy tính cũng đã và đang tạo nên nhiều vấn đề tiêu cực như lừa đảo qua mạng, ăn cắp thông tin cá nhân và gây nên những thiệt hại như con số vừa đề cập.

Điều này xuất phát từ nhiều lý do như sự thiếu cẩn trọng của các cá nhân trong việc tiết lộ thông tin cá nhân của mình, lỗ hổng bảo mật từ các phần mềm, từ các bức tường lửa trong công nghệ phòng thủ của các chủ thể lưu giữ thông tin cá nhân (các tổ chức cung cấp dịch vụ như ngân hàng, các đơn vị bán hàng…).

Cần tăng nặng chế tài xử lý hành vi lừa đảo trên không gian mạng
Cần tăng nặng chế tài xử lý hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: TL.

Đồng thời, cũng có một phần không nhỏ của các quy định pháp luật khi mà các quy định này chưa hoàn thiện với sự thay đổi quá nhanh của công nghệ làm cho hoạt động quản lý của nhà nước chưa thật sự hiệu quả.

PV: Từ những vụ lừa đảo trên mạng, nhiều ý kiến cho rằng, người Việt vẫn chưa ý thức được việc thông tin cá nhân là một tài sản tuyệt mật, cho nên nhiều người bị mất thông tin, mất tài khoản mạng xã hội thì vô tình trở thành công cụ cho các đối tượng lừa đảo. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

TS. Phan Phương Nam: Đúng vậy! hiện nay nhiều người dân dễ dàng chụp và đăng tải các thông tin cá nhân như: chụp hình căn cước công dân, hộ chiếu để khoe… Bên cạnh đó, với việc yêu cầu ngày càng nhiều về mật khẩu của nhiều loại tài khoản như facebook, zalo, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán… và để dễ nhớ, nhiều người sử dụng chung một mật khẩu, sử dụng mật khẩu dễ nhớ nên dễ bị các hacker lợi dụng để ăn cắp mật khẩu.

Cần tăng nặng chế tài xử lý hành vi lừa đảo trên không gian mạng
TS. Phan Phương Nam

Đồng thời, tình trạng sử dụng các phần mềm crack được đưa lên trên mạng nhưng tiềm ẩn trong đó các loại virus ăn cắp thông tin cá nhân trên máy tính đang rất phổ biến nhưng ít người để ý cũng đã và đang tạo điều kiện cho những chủ thể có ý đồ dễ dàng ăn cắp thông tin cá nhân và sử dụng vào những mục đích bất chính.

Cùng với đó, các hành vi lừa đảo diễn ra rất nhiều trong giai đoạn hiện nay thông qua việc gửi các tin nhắn hấp dẫn về trúng thưởng, về mua hàng giá rẻ, về giả danh ngân hàng cảnh báo tài khoản bị xâm phạm… để ăn cắp các thông tin cá nhân thực hiện vào các mục tiêu lừa đảo người thân của họ, lấy chính tài sản của họ.

Chính vì sự quan trọng mà Điều 21 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận về quyền bí mật thông tin cá nhân và chính người dân cần phải biết tự bảo vệ thông tin của mình là điều trước tiên.

PV: Dưới góc độ chuyên gia, ông có lời khuyên gì để người dùng mạng tránh vướng vào bẫy lừa đảo trên?

TS. Phan Phương Nam: Để người dùng mạng tránh vướng vào bẫy lừa đảo trên mạng, người dân cần lưu ý: Một là, khi nhận được các tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin để nhận giải thưởng, nhận khuyến mãi thì cần phải kiểm tra kỹ. Ví như, tìm hiểu rõ thông tin về chương trình khuyến mãi, công ty tổ chức giải thưởng hoặc kiểm tra lại chính ngân hàng nơi mình đang giao dịch để tránh trường hợp cung cấp thông tin cho các chủ thể giả mạo.

Hai là, không nên lưu giữ thông tin như mật khẩu bằng cách ghi nhớ vào điện thoại, máy tính theo các cách thức mà các phần mềm đã tạo ra. Bởi lẽ khi mất điện thoại, máy tính các thông tin này sẽ bị lạm dụng để gây thiệt hại cho bản thân và những người quen biết.

Ba là, không nên truy cập hoặc cài đặt các phần mềm lạ trên máy tính, điện thoại để tránh bị cài đặt virus theo dõi, căn cắp thông tin cá nhân.

Bốn là, tránh truy cập vào các trang web có nội dung thông tin “mát mẻ”, nhiều thông tin câu view nhưng chưa có sự kiểm chứng. Thông thường các trang web này sẽ cài những phần mềm độc hại chỉ cần một cái click chuột là có thể phần mềm này nhanh chóng cài đặt vào máy tính, điện thoại, mà nếu không là chuyên gia thì người thông thường không thể nào phát hiện các phần mềm ăn cắp, độc hại này.

Năm là, thường xuyên quét virus bằng các phần mềm thông dụng để diệt trừ các phần mềm độc hại được cài lén, cài ẩn dưới các hình thức khác nhau.

Sáu là, cần có mật khẩu đủ mạnh để tránh trường hợp bị dò mật khẩu cho các phần mềm, tài khoản của mình. Vì hiện nay, các mật khẩu dễ đoán sẽ bị các phầm mềm phá mật khẩu dễ thăm dò và xâm nhập vào các tài khoản cá nhân một cách dễ dàng và ăn cắp thông tin cá hân để trục lợi.

Đẩy mạnh tuyên truyền để cá nhân tự ý thức bảo vệ thông tin

TS. Phan Phương Nam nhấn mạnh, để ngăn ngừa hiệu quả các hoạt động tội phạm công nghệ cao, chúng ta cần tiến hành đẩy mạnh việc tuyên truyền để cá nhân tự ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình với các giải pháp nêu trên.

Tiếp đến, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thường xuyên xử lý những trang web độc hại, cài đặt các phầm mềm ăn cắp thông tin để hạn chế và tiến hành loại bỏ các trang web này. Việc làm này cần phải thường xuyên và liên tục để góp phần bảo vệ sự an toàn của người sử dụng mạng.

Cuối cùng, cần tăng nặng các hình thức xử lý đối với các hành vi lợi dụng công nghệ ăn cắp thông tin cá nhân và sử dụng bất chính các thông tin này. Các biện pháp đặt ra không chỉ là biện pháp hành chính và cả biện pháp hình sự cũng cần tăng lên mạnh mẽ để xử lý nghiêm minh, thích đáng các hành vi vi phạm.