Việt Nam cần xây dựng nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị sản phẩm
Việt Nam cần xây dựng nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị sản phẩm. Ảnh: TL

80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu

Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), hiện có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Nhiều sản phẩm nông sản có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến nay, mới chỉ có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng kí bảo hộ tại Việt Nam gồm: Nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và gạo Việt Nam (Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

Về kết quả xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, tính đến nay có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm trồng trọt. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Theo nhận định của các chuyên gia, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực cũng đã có chủ trương, song kết quả chưa được bao nhiêu.

Lấy ví dụ điển hình từ mặt hàng hồ tiêu, cà phê, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết, việc xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu vẫn còn khá mờ nhạt, cần đi sâu hơn nữa. Đối với cà phê, dù lượng xuất khẩu rất lớn nhưng gần như không có thương hiệu… Đưa ra những dẫn chứng trên để thấy, các mặt hàng nông sản XK chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam chưa được chú ý xây dựng thương hiệu “đến đầu đến đũa”.

Việt Nam cần xây dựng nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị sản phẩm
80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu. Ảnh: TL

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản đang trở nên cấp bách

Theo các chuyên gia, mục đích của việc xây dựng thương hiệu không phải để bán được nhiều sản phẩm hơn, mà để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, cho doanh nghiệp và đặc biệt là cho người nông dân.

Ví dụ, cùng là sầu riêng, nhưng giống Musang King của Malaysia trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000 đến 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam chất lượng được đánh giá không hề thua kém, nhưng giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Đây là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có, hoặc có thương hiệu nhưng chưa đủ mạnh.

Phân tích ở góc độ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu nông sản do quan niệm về thương hiệu của các doanh nghiệp, cũng như các nhà quản lý cấp địa phương chưa đúng.

Họ quan niệm, chỉ cần sản phẩm có bao bì đẹp, chịu khó quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi, có mặt ở vài hội chợ, lễ hội trái cây… đã là có thương hiệu. Trong khi thực chất đã gọi là thương hiệu phải tìm câu trả lời từ phía khách hàng xem khách hàng thực sự suy nghĩ, đánh giá về sản phẩm đó như thế nào. Muốn có thương hiệu, sản phẩm đòi hỏi phải chất lượng, tiện lợi, luôn đổi mới, bổ sung thêm những giá trị mới...

Ngoài ra, hiện nay xây dựng thương hiệu nông sản đối mặt không ít khó khăn, tồn tại như nông sản Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo; chưa xác định được quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng của các thành viên tham gia sử dụng, khai thác thương hiệu tập thể đối với nông sản... Hơn nữa, sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã khiến nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ đánh mất tên thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước hết, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ.

Liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để bảo đảm sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu. Song song với đó, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Tại Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Việt Nam cần xây dựng nhãn hiệu nông sản để bảo vệ giá trị sản phẩm của mình; bắt đầu từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc; đặc biệt cần phải có cơ chế pháp lý để quản lý thương hiệu nông sản trong thời gian tới. Vì vậy, chỉ đạo xây dựng nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam (tên dự kiến).

Trong thời gian chờ trình Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Cục Chế biến, Chất lượng và phát triển thị trường cùng với các hiệp hội ngành hàng, đơn vị có liên quan chọn ra một số sản phẩm chủ lực thí điểm thực hiện trước.

Thương hiệu phải được xây dựng từ nhân hiệu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh, thương hiệu nông sản Việt được định hình với những người sản xuất bằng cách: "Muốn thành công thì phải bán chính bản thân mình thông qua những cảm xúc, tâm huyết, niềm tin, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và thương hiệu phải được xây dựng từ nhân hiệu".