Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Để các doanh nghiệp của Việt Nam nắm bắt và cập nhật các thay đổi, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa phối hợp cùng tổ chức đào tạo Smart Train, với sự hỗ trợ của IIA, Deloitte Việt Nam và Công ty Wolters Kluwer tổ chức hội thảo “Các thay đổi về khung chuẩn mực kiểm toán nội bộ quốc tế (IPPF) 2017 và xu hướng phát triển kiểm toán nội bộ tại Việt Nam”.
Tại hội thảo, PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Trung ương Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam (VAA) đã trình bày khái quát về thực trạng và xu hướng phát triển của kiểm toán nội bộ (KTNB) tại Việt Nam. Ông Thanh chia sẻ, sự ra đời của Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ vào năm 1941 đã chính thức đánh dấu sự hiện hữu của hoạt động KTNB trên thế giới, trong khi tại Việt Nam KTNB mới chỉ được các doanh nghiệp quan tâm trong những năm gần đây.
Để đáp ứng yêu cầu thiết lập và vận hành hiệu quả hoạt động của bộ phận KTNB, vấn đề nâng cao số lượng và chất lượng nhân sự KTNB đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về KTNB theo các tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam đang còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Hoàng Thanh, Giám đốc Smart Train, đại diện ủy quyền đào tạo của IIA tại Việt Nam cũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về việc nâng cao năng lực chuyên môn cho giới hành nghề KTNB, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, Smart Train sẽ phối hợp với Hiệp hội IIA nâng cao chất lượng và số lượng nhân sự KTNB theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua chương trình học và thi lấy chứng chỉ Kiểm toán Nội bộ công chứng (CIA).
Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có 50 người sở hữu chứng chỉ CIA trên tổng số 30.000 người có CIA ở Châu Á và 115.000 người trên toàn thế giới. Đây là chứng chỉ được cấp bởi Hiệp hội IIA và là chứng chỉ nghề nghiệp duy nhất về KTNB được công nhận trên toàn cầu. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc sở hữu chứng chỉ hành nghề quốc tế sẽ giúp đội ngũ nhân sự KTNB khẳng định lợi thế cạnh tranh đồng thời giúp doanh nghiệp gia tăng sự tín nhiệm cũng như hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh những ý kiến phát biểu, các tham luận của các diễn giả cũng nêu rõ: Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày một phát triển về quy mô cũng như chiều sâu, điều quan trọng cho các doanh nghiệp và các tổ chức là cần có một mô hình kiểm toán nội bộ hiệu quả. Việc thường xuyên cập nhật các thay đổi và áp dụng công nghệ cho hoạt động kiểm toán là cơ sở tiềm năng cho sự chuyển dịch hoạt động kiểm toán nội bộ Việt Nam./.
Văn Tuấn