Thị trường trong nước - “phao” an toàn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu gặp khó
Cần khơi dậy niềm tự hào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy phát triển. Ảnh minh họa

PV: Thị trường xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng nhưng nhiều ý kiến cho rằng, trong nước cũng là một thị trường cần tập trung. Ông đánh giá như thế nào về thị trường trong nước hiện nay?

Thị trường trong nước - “phao” an toàn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu gặp khó

Ông Đậu Anh Tuấn: Thị trường trong nước luôn là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Với dân số hơn 100 triệu người, chủ yếu thuộc phân khúc thu nhập trung bình và khá, thị trường này vô cùng tiềm năng và đóng vai trò như “cái phao” an toàn cho doanh nghiệp, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn do các hàng rào thuế quan và các yếu tố khó lường, thị trường trong nước trở thành cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp và ngành hàng Việt Nam. Vì vậy, để xây dựng nền tảng vững chắc, các doanh nghiệp cần “đi bằng hai chân”, vừa khai thác thị trường quốc tế, vừa củng cố vị thế tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, thị trường trong nước đang đứng trước áp lực rất lớn, đó là nguy cơ chuyển hướng thương mại. Nếu các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, khi gặp khó khăn trong xuất khẩu vào Hoa Kỳ, họ có thể tăng xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, khiến các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh mạnh hơn.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với các đối tác trên toàn cầu, nhiều hàng rào thuế quan được xóa bỏ, cho nên sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngay tại sân nhà rất là khốc liệt… Trước những áp lực đó, các doanh nghiệp Việt Nam luôn ở tâm thế phải giữ và phát triển được thị trường trong nước.

PV: Theo ông, nên có giải pháp gì để doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất tốt trong thời điểm này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Có rất nhiều nhóm giải pháp để phát triển thị trường trong nước nhưng theo tôi thấy, giới trẻ rất yêu nước, qua nhiều sự kiện như trong dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước, các bạn trẻ thể hiện tình yêu nước hết sức mạnh mẽ. Liệu chúng ta có thể chuyển hóa được sức mạnh yêu nước của người dân đối với hàng hóa sản xuất trong nước được không?

Vừa qua có nhiều chương trình giải trí, âm nhạc nước ngoài ở Việt Nam, thu hút được nhiều khán giả. Ví dụ, chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã tổ chức được 4 - 5 buổi diễn, với cách thể hiện hoành tráng và vé bán cũng rất "sốt". Cùng với lĩnh vực âm nhạc, tôi tin tưởng trong những lĩnh vực khác như thương mại hàng hóa, hàng tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và chinh phục được người Việt Nam, chúng ta khai thác được tinh thần, tâm hồn, lòng yêu nước của người Việt Nam trong hàng Việt. Đó cũng là giải pháp quan trọng.

Hiện người tiêu dùng Việt Nam, hàng tiêu dùng Việt Nam phải đối mặt cạnh tranh rất khốc liệt từ các nước láng giềng như Trung Quốc cả về quy mô, năng lực, giá cả. Nếu chúng ta không tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng thì sẽ tạo áp lực cạnh tranh và rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước thời gian tới là phải xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, từng doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, không thể chỉ trông vào chính sách mà cần xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối riêng. Tuy nhiên, phần lớn các chuỗi phân phối hiện lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn trong việc đưa hàng Việt vào hệ thống. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và phân phối, bởi đây là điểm nghẽn then chốt hiện nay. Tôi có niềm tin về việc hỗ trợ của Nhà nước đối với thị trường trong nước.

PV: Các doanh nghiệp Việt Nam rất sẵn sàng nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng, tuy nhiên sức mua còn đang rất yếu. Nhà nước cần làm gì để kích thích sức mua của người tiêu dùng, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trước tiên, tạo niềm tin của người tiêu dùng. Đó là giữ sự ổn định kinh tế để người tiêu dùng cảm nhận được tiềm năng và sức vươn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, có giải pháp tích cực về kích cầu. Nhận thức thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng nên Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách tốt để khai thác thị trường này. Vừa qua, chúng ta đã có một số giải pháp kích cầu, như: giảm 2% thuế GTGT trong vòng 1 năm rưỡi (đến hết năm 20216); bỏ quy định về áp thuế GTGT với hàng nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng; có nhiều giải pháp để ứng phó với hàng giả, hàng lậu…

Đặc biệt, Chính phủ đã bỏ visa đơn phương với một số nước để thúc đẩy du lịch. Du lịch phát triển sẽ tăng cường dịch vụ và nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều giải pháp giảm lãi suất để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, hay tăng cường đầu tư công để phát triển kinh tế, kích cầu trong nước… Điều này cho thấy Việt Nam không ngại cạnh tranh, tự tin giữ được thị trường.

Tôi kỳ vọng rằng, với những chính sách đó, chúng ta có thể kích cầu thị trường trong nước hơn nữa, kích thích sức mua của người tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!

4 tháng, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9,9%

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng trong các kỳ nghỉ lễ, tết cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ.