y te

Cán bộ y tế thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm.

Bộ Y tế nhìn nhận, đây là dịp để ngành rà soát lại các khâu, quy trình quản lý nhà nước về đầu tư, mua sắm, quản lý giá, quản lý và sử dụng tài sản và nghiêm túc xem xét, chỉ đạo chấn chỉnh các đơn vị có liên quan”, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế chia sẻ với phóng viên TBTCVN về việc này.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác quản lý nguồn NSNN đầu tư cho trang thiết bị và công trình y tế hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Trong những năm qua, việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng công trình y tế được ngành Y tế chú trọng, quan tâm hơn. Với mục tiêu tăng cường quản lý trang thiết bị y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP quy định về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có quy định rõ vai trò các đơn vị liên quan trong quản lý sử dụng các thiết bị y tế. Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai thực hiện các quy định của Nghị định theo lộ trình trên cả nước. Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi UBND và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường kiểm tra, quản lý đầu tư khai thác sử dụng trang thiết bị y tế; đồng thời, tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn cho 63 tỉnh thành phố và các đơn vị trực thuộc để phổ biến các quy định của pháp luật, chấn chỉnh các hoạt động đầu tư, quản lý khai thác sử dụng trang thiết bị y tế trong phạm vi cả nước.

Với đặc thù của lĩnh vực trang thiết bị y tế rất đa dạng, nhiều chủng loại, nhiều đặc trưng khác nhau và phân cấp cho nhiều cơ quan quản lý nên cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên thì mới có thể làm tốt công tác quản lý đầu tư, sử dụng, khai thác vận hành.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh đề xuất điều hòa việc sử dụng trang thiết bị y tế từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đối với các đơn vị trực tiếp đầu tư mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, Bộ Y tế sẽ giám sát việc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản và bảo toàn vốn như doanh nghiệp.

tuan
Ông Nguyễn Minh Tuấn -
Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả kiểm toán trong lĩnh vực trang thiết bị y tế vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây. Vấn đề này đang được cơ quan y tế tiếp thu và giải quyết thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Báo cáo đánh giá và kết luận của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây đã chỉ ra một số sai sót, tồn tại, bất cập và hạn chế khách quan và chủ quan liên quan đến công tác đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng các trang thiết bị, mua sắm vật tư, hóa chất.

Qua đó, Bộ Y tế nhìn nhận đây là dịp để ngành rà soát lại các khâu, quy trình quản lý nhà nước về đầu tư, mua sắm, quản lý giá, quản lý và sử dụng tài sản và nghiêm túc xem xét, chỉ đạo chấn chỉnh các đơn vị có liên quan.

Về nội dung đánh giá của báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu những mặt hạn chế trong việc sử dụng một số trang thiết bị được đầu tư mua sắm còn kém hiệu quả, ít sử dụng, Bộ Y tế đang có báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần nghiêm túc xem xét, chỉ đạo chấn chỉnh các đơn vị có liên quan và có giải trình để hiểu đầy đủ thông tin và xem xét đánh giá đúng thời điểm và đúng tính chất, bản chất việc quản lý, sử dụng các trang thiết bị này phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng bệnh.

PV: Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, có những loại vật tư y tế mua sắm chênh nhau đến 6 - 7 lần... Ông có thể giải thích vì sao lại xảy ra thực trạng như vậy?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước đúng là có đánh giá và dẫn chứng có sự khác nhau về giá kế hoạch một số vật tư, hóa chất và báo cáo cũng chỉ ra hạn chế do chưa phân nhóm vật tư hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ cơ sở dữ liệu giá trúng thầu các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế xây dựng giá kế hoạch. Để có đầy đủ thông tin và hiểu đúng bản chất vấn đề này thì một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã có ý kiến giải trình về sự chênh lệch về giá.

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm nghìn mặt hàng vật tư, hóa chất đang giao cho các đơn vị, địa phương tự đấu thầu, do thời điểm đấu thầu của các đơn vị là khác nhau, số lượng của các gói thầu khác nhau, địa điểm mua, phương thức thanh toán có khác nhau, chủng loại khác nhau, cùng một loại vật tư, hóa chất nhưng có nhiều nhà cung cấp theo cơ chế thị trường nên việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các đơn vị còn có sự khác nhau.

PV: Để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, sử dụng trang thiết bị và công trình y tế, tránh thất thoát nguồn vốn đầu tư thì cần có giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Về quan điểm của Bộ Y tế đối với các trường hợp nếu phát hiện vi phạm về các quy định trong mua sắm, đấu thầu để gây thất thoát, lãng phí sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không bao che và sai đâu xử lý đến đó.

Chống lãng phí trong sử dụng nguồn ngân sách đầu tư cho y tế, Bộ Y tế sẽ tăng cường giám sát và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ rà soát tình hình sử dụng tài sản gắn với nhu cầu và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để báo cáo cụ thể tình hình thực tế. Nếu đơn vị nào có thiết bị công suất sử dụng ít, kém hiệu quả, đơn vị quản lý có trách nhiệm báo cáo, đề xuất để xem xét điều chuyển cho các đơn vị khác có nhu cầu. Các trang thiết bị hết thời hạn khấu hao, hư hỏng không sử dụng được, không có khả năng sửa chữa đề nghị đơn vị làm thủ tục thanh lý theo quy định.

Từ nay đến cuối năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường quản lý trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có quy định rõ vai trò các đơn vị liên quan trong quản lý sử dụng các trang thiết bị y tế.

PV: Xin cảm ơn ông

Hải Linh