Miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí hàng trăm nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, một thực tế được đánh giá đúng đắn đáng ngợi ca, ghi nhận công tác chống dịch thành công rực rỡ, được thế giới công nhận. Việc huy động nguồn lực to lớn, thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, xả thân của nhân dân và thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, rộng mở của Đảng, Nhà nước. Ngoài nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, viện trợ của các quốc gia và nhân dân là rất to lớn.

Chính phủ điều hành chính sách tài khóa quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả thời điểm dịch bệnh
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được hoàn thiện sau 17 ngày Nghị quyết 43/2022/QH15 ra đời và có hiệu lực ngay đầu tháng 2/2022.

“Riêng việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ là hết sức quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ quyết liệt chống dịch nhưng cũng đã chỉ đạo hiệu quả và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh” - người đứng đầu ngành Tài chính cho hay.

Theo Bộ trưởng, năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí là hơn 132 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn và giảm là 24 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 108,4 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022, chúng ta huy động được nguồn lực lớn nhất và thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí lớn nhất, là 200,3 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 89 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 110,7 nghìn tỷ đồng...

Năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc miễn, giảm thuế, Bộ Tài chính đã trình và dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74,2 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, trong năm 2022 và 2023 có gói hỗ trợ tài khóa theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (tổng gói chương trình là 347 nghìn tỷ đồng), đã thực hiện giãn, giảm thuế phí và lệ phí và có hiệu quả tức thì trong năm 2022.

Về tình hình mua vắc-xin Covid-19 và tiếp nhận viện trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, số tiền mua từ NSNN trên 15 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ chi là 7.672,2 nghìn tỷ đồng, ngân sách trung ương chi 7.574,5 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến những vướng mắc trong quá trình huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã ghi chép đầy đủ và tiếp thu một cách tối đa đề hoàn thiện chính sách, tháo gỡ vướng mắc hiện nay.

Về ý kiến đại biểu cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chỉ đề nghị nộp tiền doanh nghiệp và người dân hỗ trợ để mua vắc-xin, vì ngân sách trung ương (NSTW) đã bỏ tiền ra mua và từ Quỹ Vắc-xin chi, vì vậy mục đích mua vắc-xin thì phải chuyển trả lại, còn nguồn lực viện trợ khác thì được để lại địa phương và phòng, chống dịch. “Còn số dư, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để đưa vào hiện đại hóa thiết bị y tế hoặc sử dụng cho công tác phòng, chống dịch...” - Bộ trưởng cho hay.

Mua vắc-xin tiêm chủng: Bộ Y tế xây dựng dự toán, địa phương bố trí kinh phí

Với kiến nghị của đại biểu về việc khó khăn trong xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với hàng hoá được biếu tặng trong thời kỳ Covid-19, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh về phía Bộ Tài chính thì không có vướng mắc. Bộ trưởng lý giải, theo quy định của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, để xác lập sở hữu toàn dân chỉ cần hợp đồng tài trợ và hoá đơn để ghi tăng tài sản. Bộ Tài chính không kiểm soát giá tại thời điểm đó, mà hoàn toàn do doanh nghiệp cung cấp. Do vậy không cần khâu thẩm định, xác định giá, thuê thẩm định giá. Chỉ đến khi bán, thanh lý tài sản thì mới cần. Vì vậy, về phía Bộ Tài chính không gặp vướng mắc.

Chi hơn 5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19
Nhờ có sự ra đời của Quỹ Vắc-xin mà đã huy động được gần 11 nghìn tỷ đồng cho công tác mua vắc-xin tiêm chủng cho toàn dân.

Về việc mua vắc-xin tiêm chủng, Bộ trưởng cho biết, trước năm 2020 chúng ta đưa vào chương trình mục tiêu (CTMT), nhưng sau năm 2020 khi hết chương trình thì được bố trí từ NSNN. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021-2022, Bộ Y tế đã đề xuất bố trí kinh phí từ nguồn NSTW thực hiện các nội dung chi thuộc CTMT Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 thành nhiệm vụ chi thường xuyên, trong đó gồm mua vắc xin tiêm chủng mở rộng với kinh phí năm 2021: 134 tỷ đồng, năm 2022: 178 tỷ đồng.

Đối với năm 2023, Bộ trưởng nêu rõ, hết năm 2021, quy định về bố trí NSTW triển khai mua vắc-xin theo CTMT quốc gia cũ không được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, do các CTMT quốc gia được ban hành vào thời điểm tháng 10/2021, các thông tư hướng dẫn được ban hành vào tháng 5/2022 trong khi dự toán năm 2022 cho Bộ Y tế để thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng được xây dựng từ tháng 9/2021 nên tại thời điểm làm dự toán, Bộ Tài chính phải áp dụng cách bố trí kinh phí tiêm chủng mở rộng như năm 2021 (giai đoạn chuyển tiếp chưa có hướng dẫn).

Sau khi các CTMT và các thông tư hướng dẫn được ban hành, Bộ Tài chính đã rà soát thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN về phân cấp quản lý. Theo đó, không có quy định NSTW bảo đảm kinh phí mua vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng.

Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế xây dựng dự toán năm 2023 đối với các nhiệm vụ, nội dung do Bộ Y tế thực hiện theo quy định và có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương. Trường hợp cần thiết bố trí NSTW thực hiện mua một số thuốc, vắc-xin,… cho trẻ em dưới 5 tuổi (ngoài các đối tượng thuộc 3 CTMT quốc gia) đề nghị Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí kinh phí NSTW.

Bộ Tài chính có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn việc thực hiện các một số nhiệm vụ thuộc CTMT Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh do các địa phương thận trọng trong việc mua vắc-xin (lý do chưa được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách mua sắm, giá mua sắm, chủng loại....).

Được biết, về bố trí kinh phí 2023 cho chương trình tiêm chủng mở rộng, do chưa rõ cơ chế thực hiện nên Bộ Tài chính đã dành sẵn khoảng 300 tỷ đồng cho nhiệm vụ chi này để thực hiện ngay khi cấp thẩm quyền cho phép và hướng dẫn.

Về đầu tư cơ sở vật chất y tế, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã bố trí 14 nghìn tỷ đồng trong tổng số 176 nghìn tỷ đồng và chỉ để chi đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tăng cường năng lực phòng, chống dịch…. "Ngoài ra, bố trí ngân sách địa phương và trung ương cho đầu tư các dự án để sửa chữa các trung tâm y tế cơ sở; sắp tới cần tập trung quan tâm đến vấn đề này. Riêng Bộ Tài chính rất ủng hộ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết thêm, chính sách cho cán bộ y tế, phụ cấp cho cán bộ y tế, ưu đãi nghề và bảo hiểm y tế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Về Quỹ Vắc-xin, theo Bộ trưởng tổng số huy động 10.791,14 tỷ đồng, trong đó chi từ quỹ 7.672,2 tỷ đồng, hiện dư là 3.118,94 tỷ đồng. Có 693.476 lượt tổ chức cá nhân ủng hộ vào quỹ./.

Chính phủ quyết liệt chống dịch

“Khi dịch bệnh chúng ta chưa lường trước được vì chưa có trong tiền lệ, nên Chính phủ rất quyết liệt chống dịch. 9h đêm Thủ tướng Chính phủ gọi điện cho tôi, hỏi rằng có thể thành lập được Quỹ Vắc-xin không, tôi báo cáo rằng thành lập được. 10h đêm chúng tôi triệu tập họp, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai, xây dựng quy chế thành lập quỹ và giao Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp xây dựng thông tư. 8 giờ sáng hôm sau đã đặt trên bàn của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ thành lập quỹ, chúng ta có gần 11 nghìn tỷ đồng để chủ động mua vắc-xin. Đây là một thành công.

Tương tự như vậy, xuất hàng viện trợ, có những thời điểm phải quyết định xuất hàng trước, chứng từ sau để kịp thời cứu dân. Có đêm họp đến 2 giờ sáng, để hoàn thiện cơ chế chính sách. Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội ra đời vào ngày 11/1/2022, thì 17 ngày sau Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022” - người đứng đầu ngành Tài chính đã chia sẻ về sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành ở thời điểm “chống dịch như chống giặc”.