Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống nằm trong diện điều chỉnh tăng lương.
3 phương án điều chỉnh
Trước tình hình cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm tới rất khó khăn, tuy nhiên nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí tăng dự toán thu NSNN năm 2015 hoặc cắt giảm chi NSNN để dành nguồn tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và ý kiến của ĐBQH, trong bối cảnh dự kiến lạm phát trong 2 năm 2014- 2015 khoảng 8%, Chính phủ đề xuất 3 phương án điều chỉnh tiền lương từ 1/1/2015.
Phương án 1: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/ tháng lên 1,24 triệu đồng/ tháng (tăng 90 nghìn đồng/ tháng, khoảng 8%); lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương cơ sở - mức tăng tương ứng mức lạm phát trong 2 năm 2014- 2015.
Với phương án này, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công do NSNN đảm bảo. Nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 33 nghìn tỷ đồng, trong đó: NSTW bố trí khoảng 26 nghìn tỷ đồng, NSĐP bố trí khoảng 7 nghìn tỷ đồng.
Phương án 2: Chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và lương hưu đối với bộ phần công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp tăng 8%.
Năm 2011, đã thực hiện trợ cấp khó khăn đối với bộ phận công chức, viên chức có thu nhập thấp có hệ số lương 3,0 trở xuống, khi đó chưa có chế độ phụ cấp công vụ. Hiện nay, đã thực hiện phụ cấp công vụ 25% trên mức lương hiện hưởng, do vậy tương đương với người có hệ số lương 3,0 của năm 2011. Từ đó, Chính phủ kiến nghị tăng lương đối với người có hệ số lương 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang).
Nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng, trong đó: NSTW bố trí khoảng 10 nghìn tỷ đồng, NSĐP bố trí khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng.
Phương án 3; Không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với toàn bộ công chức, viên chức, chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng 10%.
Với phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng, toàn bộ do NSTW đảm bảo.
Gần 5 triệu người được cải thiện thu nhập
Để thực hiện cải cách tiền lương theo các phương án trên, đại diện của Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã phân tích khá kỹ khả năng cân đối nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh tiền lương năm 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thực tế, đối với dự toán thu NSNN năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 901,1 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Chính phủ đã rà soát và tiếp thu, trình Quốc hội là 911,1 nghìn tỷ đồng. Đây là mức dự toán tích cực, nhất là trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 9 trở lại đây giảm liên tục.
Nhiều dự báo rủi ro về giảm giá dầu tác động đến giảm thu dầu thô so với dự toán là khá lớn (khoảng 10- 14,5 nghìn tỷ đồng). Từ tình hình trên, Chính phủ kiến nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội giữ số đánh giá ước thực hiện thu NSNN năm 2014 và năm 2015 như Chính phủ đã trình.
Bên cạnh đó, việc bố trí và phân bổ dự toán chi thường xuyên đã bố trí ở mức thấp, nếu tiếp tục cắt giảm thêm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực thi các nhiệm vụ thuộc chức năng của Nhà nước, thậm chí phải cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện.
Trong bối cảnh khó có thể điều chỉnh thu NSNN năm 2014- 2015 và cắt giảm dự toán chi NSNN năm 2015, để thực hiện ý kiến của nhiều ĐBQH, Chính phủ kiến nghị sử dụng một phần số tăng thu NSNN năm 2014 chuyển sang nguồn năm 2015 để thực hiện.
Do đó, Chính phủ kiến nghị UBTVQH xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép tiếp thu điều chỉnh tiền lương năm 2015: Từ 1/1/2015, thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công (số đối tượng do NSNN đảm bảo khoảng 2,9 triệu người) và tiền lương đối với bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ là trên 1,8 triệu người).
Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ NSNN; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Nguồn kinh phí thực hiện khoảng 11.100 tỷ đồng, kiến nghị cho phép chuyển nguồn tăng thu năm 2015 sang năm 2015 là 10.000 tỷ đồng, số còn lại 1.100 tỷ đồng được đảm bảo từ nguồn NSĐP dành ra để cải cách tiền lương./.
H.TR