Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc tại hội thảo. Ảnh: Đ.V

Với chủ đề "Chính quyền điện tử: Hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư”, hội nghị đã thu hút trên 600 đại biểu đến từ trung ương và các địa phương là các chuyên gia, lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo thuận tiện nhất cho người dân.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) khẳng định, CNTT là động lực, là điều kiện điện để CCHC thành công. Phát triển chính phủ điện tử giúp đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền, giúp nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ để đưa ra các quyết định hành chính phù hợp,nâng cao hiệu lực pháp luật, giúp quản lý nhà nước hiệu quả, minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại Quảng Ninh, PGS., TS. Phạm Minh Chính cho biết, Quảng Ninh vừa xin phép Thủ tướng cho làm thí điểm mô hình chính quyền điện tử, công dân điện tử, trung tâm hành chính công.

Tỉnh Quảng Ninh đã đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh và 5 địa phương (Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Uống Bí) vào hoạt động. Đây vẫn là mô hình do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Quảng Ninh đã hướng tới việc đưa các trung tâm này trở thành trung tâm dịch vụ công, sẽ do tư nhân thực hiện để tạo ra sự cạnh tranh, đem lại dịch vụ hành chính tốt nhất cho người dân.

Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính

Ông Phạm Minh Chính

Kinh nghiệm cho thấy CNTT chỉ là điều kiện hỗ trợ, có tiền là làm được. Quan trọng nhất là phải có quyết tâm chính trị. Muốn xây dựng được chính quyền điện tử, CCHC thì phải tách dịch vụ hành chính công khỏi quản lý Nhà nước, để cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tập trung xây dựng hành lang pháp lý, quy trình giám sát, kiểm tra, hậu kiểm…

“Tuy nhiên, đây là điều khó khăn nhất hiện nay vì các sở, ngành đều muốn giữ quyền quản lý, triển khai các dịch vụ công. Dự kiến từ năm 2016, Quảng Ninh sẽ triển khai mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công thay vì trung tâm phục vụ hành chính công hiện nay. Khi đó, việc triển khai cung cấp dịch vụ công sẽ được đấu thầu, hoạt động theo cơ chế thị trường để người dân, doanh nghiệp được hưởng dịch vụ tốt hơn”, ông Chính nhấn mạnh.

Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT TP.Đà Nẵng cho biết: “Việc vận hành chính quyền điện tử đã giúp TP.Đà Nẵng tự chủ được chi phí đầu tư, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin... Tuy nhiên, là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, nên chưa có mô hình mẫu để học tập; Ngân sách, nguồn nhân lực CNTT thì hạn chế, hạ tầng CNTT được đầu tư rời rạc, việc ứng dụng các phần mềm mang tính chất riêng lẻ, tự phát, thiếu chuẩn để tích hợp...”.

TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đề xuất các cơ quan hữu quan cần sớm triển khai xây dựng kiến trúc tổng thể hạ tầng thông tin quốc gia, tạo cơ sở đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống, tránh chồng chéo, lãng phí, để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kiến trúc hệ thống thông tin của mình. Đây là cơ sở để triển khai cơ chế thuê dịch vụ CNTT cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia./.

Đỗ Vinh