![]() |
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh tư liệu |
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận tại Hội nghị Tái bảo hiểm quốc tế Hanoi Re 2025 (HRIC 2025) vừa được tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Đây là hội nghị chuyên ngành tái bảo hiểm quốc tế đầu tiên do một doanh nghiệp Việt Nam chủ trì, với chủ đề “Kết nối lãnh đạo, chia sẻ tầm nhìn tại độ cao 1.500”. Sự kiện quy tụ hơn 180 lãnh đạo cấp cao đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm đại diện các công ty tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới và tổ chức giám định.
Nhu cầu về bảo hiểm đối với kinh tế - xã hội ngày càng cao
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, với nỗ lực của toàn ngành bảo hiểm, năm 2024, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 10,21% về tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 78.291 tỷ đồng. Tổng tài sản ước đạt 145.416 tỷ đồng, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm 2023. Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 78.141 tỷ đồng, tăng 10,91% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng 5 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 35.575 tỷ đồng, tăng 10,43% so với cùng kỳ; tổng tài sản ước đạt 147.797 tỷ đồng, tăng 8,42% so với cùng kỳ.
“Đây là những số liệu ghi nhận sự nỗ lực đồng bộ giữa cơ quan quản lý, các doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như sự tin tưởng của các tổ chức, cá nhân trong bối cảnh có nhiều rủi ro bất ổn trên thế giới” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thêm, năm 2025, nền kinh tế trong nước, quốc tế được đánh giá sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc góp phần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô; bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội; bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư; thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.
Khẳng định tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn, nhu cầu về bảo hiểm đối với nền kinh tế - xã hội ngày càng cao, Thứ trưởng cho rằng, ngoài các sản phẩm đang phát triển mạnh, thị trường còn có nhiều sản phẩm, chính sách bảo hiểm đang được triển khai, đặc biệt là bảo hiểm xanh.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận thông tin, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện các chương trình, giải pháp thúc đẩy bảo hiểm xanh cũng như thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm tới năm 2030. Đây cũng là xu hướng tất yếu để Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm
Cũng tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, thời gian qua, hệ thống khuôn khổ pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý công khai, minh bạch cho các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều nội dung mới có hiệu lực từ năm 2023, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.
“Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển cho các doanh nghiệp bảo hiểm; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai các chính sách bảo hiểm mới; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao năng lực tài chính, quản trị tài chính; xây dựng đầy đủ hệ thống quản trị rủi ro, kịp thời phát hiện được các rủi ro phát sinh, từ đó tăng sức cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và quy định pháp luật.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị, các doanh nghiệp tăng cường hợp tác với đối tác tái bảo hiểm quốc tế như: cùng phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, phù hợp với bối cảnh rủi ro đặc thù; chia sẻ cơ sở dữ liệu, mô hình định phí, kinh nghiệm giám định và bồi thường; phối hợp trong công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội nghị, các diễn giả đã trình bày các tham luận trong đó tập trung vào những chủ đề chiến lược của ngành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tích cực tham gia trao đổi, chia sẻ góc nhìn thực tiễn và bài học kinh nghiệm phong phú. Không khí thảo luận sôi nổi, đa chiều đã góp phần làm nổi bật vai trò của HRIC 2025 như một diễn đàn đối thoại cởi mở, chuyên sâu và mang tính xây dựng cao giữa các bên liên quan trong ngành bảo hiểm.
Cũng tại hội nghị, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các nhà tái bảo hiểm và môi giới trong, ngoài nước tăng cường phối hợp, hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của thị trường và cơ quan quản lý.
Tái bảo hiểm là một phần thiết yếu trong hệ sinh thái tài chính bền vữngThứ trưởng Lê Tấn Cận đánh giá cao vai trò và sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các nhà tái bảo hiểm đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi, ổn định kinh doanh và cuộc sống. Theo ông Phùng Tuấn Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Re, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động lớn - từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, rủi ro an ninh mạng, đến những bất ổn địa chính trị và kinh tế, ngành tái bảo hiểm không chỉ là “lá chắn” giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phân tán rủi ro, mà còn là một phần thiết yếu trong hệ sinh thái tài chính bền vững và linh hoạt. “Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong mô hình kinh doanh, công nghệ và kỳ vọng của thị trường. Điều này đòi hỏi lĩnh vực tái bảo hiểm nói chung và HanoiRe nói riêng phải đổi mới, tăng cường năng lực, đồng thời, việc hợp tác quốc tế sâu rộng hơn bao giờ hết trở thành chìa khóa để cùng nhau vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội” - ông Phùng Tuấn Kiên nói. |