Chiều 6/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Giáo dục, tuyên truyền để bà con đồng lòng, đồng thuận
Sau một nửa nhiệm kỳ Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, câu hỏi đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) chất vấn tại phiên họp là vấn đề Bộ trưởng trăn trở nhất về công tác dân tộc là gì và giải pháp nào để giải quyết trăn trở này?
Cám ơn đại biểu Nghĩa về câu hỏi “dễ” nhưng cũng khó trả lời, Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ dù mới được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hơn 1 năm, nhưng thực tiễn quá trình công tác của ông thời gian qua đều là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, bản thân Bộ trưởng cũng là một người dân tộc thiểu số.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) |
Theo Bộ trưởng, những trăn trở của ông đều chung với điều trăn trở của bà con nhân dân và những vấn đề này đang được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dần dần từng bước giải quyết, hoàn thiện và sẽ còn tiếp tục thực hiện.
Song, điều suy nghĩ nhất, theo Bộ trưởng là dù chúng ta có nhiều chính sách đến đâu, có nhiều nguồn lực nhiều đến đâu, nhưng nếu bà con nhân dân không nhận thức được, không tiếp nhận được, không đồng lòng và không cùng với Nhà nước để thực hiện thì cũng sẽ không thành công.
“Do đó, vấn đề trăn trở nhất của tôi là nhận thức của người dân và để người dân cảm nhận đây là chủ trương của Đảng, đây là một chính sách của Nhà nước và trách nhiệm của người dân phải cùng chung tay để cùng làm” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng không gì hơn là phải giáo dục để bà con nhân dân có kiến thức, hiểu ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật… thì mới tiếp nhận được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cộng với đó là sự hỗ trợ từ chính sách, từ công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn thể để giải quyết được vấn đề. Đây cũng là một bài học rất tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Nhiều hộ gia đình vùng khó khăn không muốn "thoát nghèo"
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về việc tỷ lệ thoát nghèo ở đồng bào vùng đặc biệt khó khăn chưa đạt theo mong muốn, thực tế có nhiều hộ lại không muốn thoát nghèo, nguyên nhân, giải pháp nào để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo, Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận có thực trạng nhiều hộ gia đình ở vùng khó khăn, vùng nghèo lại không muốn “thoát nghèo”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh |
Nguyên nhân cơ bản, theo Bộ trưởng, là mặc dù theo tiêu chí người dân đã được coi là thoát nghèo, nhưng trong cuộc sống thực tế rất khó khăn, địa bàn cũng là vùng khó khăn, chất lượng dịch vụ cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, theo chính sách, nếu đã là hộ thoát nghèo sẽ không còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ.
Để giải quyết thực tế này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng cần có rất nhiều biện pháp, trách nhiệm của các địa phương khi rà soát, đánh giá hộ nghèo phải hết sức khách quan. Mặt khác, phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động bà con để họ hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước và tự nguyện tham gia. Trong thực tế, các địa phương cũng có rất nhiều các trường hợp tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị việc xây dựng hệ thống tiêu chí về giảm nghèo phải thực tế, sát với điều kiện của đất nước, phù hợp với việc phát triển trong từng giai đoạn, để người thoát nghèo cũng yên tâm không bị tái nghèo trở lại, đảm bảo cuộc sống và yên tâm ở lại địa phương…
Liên quan đến đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn về tình hình có đồng bào dân tộc vẫn còn đang sống trong vùng đặc biệt khó khăn nhưng đã bị ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do thay đổi cách đánh giá, phân loại, có 2,1 triệu người là không tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ chính sách bảo hiểm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết đã báo cáo với Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế để sửa một số thông tư, chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết vấn đề này. Dự thảo sửa đổi Nghị định 146 đã bổ sung các đối tượng thuộc diện là không nằm ở các xã khó khăn nhưng còn là các hộ dân tộc thiểu số khó khăn vào diện tiếp tục hưởng chính sách.
Hiện Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang soạn thảo thông tư hướng dẫn, đang xin ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành liên quan và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới. Ngoài ra, còn 11 chính sách có liên quan đến các bộ, ngành khác, như các chính sách về giáo dục, các chính sách về y tế, về nông nghiệp, về chính sách, về về lao động việc làm thì các bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục cũng đang tiếp tục để sửa và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới đây.
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cam kết với các đại biểu Quốc hội: “Ủy ban Dân tộc với trách nhiệm của mình sẽ đôn đốc tiến độ công việc”./.