Cơ bản hoàn thành các văn bản hướng dẫn chương trình mục tiêu quốc gia
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu vấn đề việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 rất chậm. Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng về nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cũng nêu câu hỏi về việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân vốn còn chậm, rất nhiều vướng mắc về cơ chế quản lý. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là khó khăn, vướng mắc lớn nhất, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh |
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, một trong những khó khăn của việc triển khai là chương trình này rất rộng lớn, nằm ở địa bàn rất khó khăn, phức tạp. Các dự án, các chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực và cả những vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn.
Trăn trở lớn nhất, theo Bộ trưởng, không phải là hệ thống pháp luật, thể chế bởi đến nay cơ bản hệ thống văn bản đã hoàn thành. Trong 2 năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung để giải quyết và đến thời điểm hiện nay cơ bản các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đã hoàn thành để cho các địa phương, bộ, ngành triển khai.
Vấn đề lo nhất lúc này, theo Bộ trưởng là lo triển khai trên thực địa đối với đội ngũ cán bộ. Bởi có những dự án phải triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng hộ gia đình. Cấp trung ương chỉ hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra, cấp tỉnh phân cấp cho huyện, huyện lại phân cho xã, xã thậm chí xuống đến thôn, bản để tổ chức thực hiện, cấp phát cho bà con nhân dân. “Đây là vấn đề rất khó, nhiều chi tiết nhỏ lẻ, nên chúng tôi rất trăn trở” - Bộ trưởng chia sẻ.
Nói về giải pháp, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, dù cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ nhưng cũng chưa thể chắc chắn 100%, trong quá trình thực hiện sẽ còn những vấn đề nảy sinh. Giải pháp của trung ương là sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với địa phương, các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để cho địa phương quyết, trách nhiệm địa phương là tập trung lực lượng để triển khai.
Đã bố trí đủ vốn cho chương trình mục tiêu về đồng bào dân tộc thiểu số
Liên quan tới vốn ODA, đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đặt câu hỏi về kết quả thực hiện Nghị quyết 120 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo đó khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết 120 nêu rõ: "Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối bố trí ngân sách trung ương, bổ sung cho chương trình, tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho chương trình".
Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) |
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết 120 giao cho Chính phủ 2 nhiệm vụ. Một là bố trí vốn trong tổng cơ cấu vốn được phê duyệt. Hai là giải pháp để huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước (NSNN).
Về bố trí vốn, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội bố trí đủ vốn theo tinh thần Nghị quyết 120 là 104.000 tỷ đồng vốn trung ương cho giai đoạn từ nay đến 2025.
Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn một số nguồn vốn khác, gồm có vốn tín dụng là 19.700 tỷ đồng và vốn của địa phương đối ứng là 10%, khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Nghị quyết Quốc hội cũng giao cho Chính phủ huy động nguồn ngoài NSNN là khoảng 2.027 tỷ đồng từ nguồn ODA, khuyến khích huy động một số nguồn vốn xã hội khác. Bộ trưởng khẳng định đến thời điểm này, Chính phủ đã trình Quốc hội và bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm, theo đúng kế hoạch bố trí vốn của Quốc hội đã phê duyệt.
Báo cáo thêm về huy động các nguồn vốn khác, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành để tham mưu xây dựng một kế hoạch để huy động nguồn vốn khác ngoài ngân sách, gồm có nguồn vốn ODA và các nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, thời điểm năm 2021 và năm 2022 kinh tế rất khó khăn do dịch Covid-19, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn với các tập đoàn, tổng công ty lớn thì chúng ta không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này. |
Riêng về vốn ODA, Ủy ban Dân tộc đã có một dự án để cùng với một số bộ ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới nhằm huy động một khoản vốn khoảng gần 9.000 tỷ đồng. Dự án đã làm xong thủ tục là xây dựng các khung chính sách và tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn. Khung chính sách này đã được Ngân hàng Thế giới chấp thuận.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay trong quá trình đàm phán năm 2022, một số vấn đề bị vướng. Thứ nhất là chương trình mục tiêu chưa triển khai nên nguồn vốn của NSNN chưa giải ngân đồng nào. Thứ hai là áp lực về trần nợ công. Vì vậy, một số bộ, ngành có ý kiến nên cân nhắc vấn đề này vào một giai đoạn thích hợp. Ngân hàng Thế giới cũng đã thống nhất là dừng lại đến hết năm tài khóa năm 2022.
Vì những lý do này, hiện dự án đang tạm dừng và tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và đàm phán lại dự án. “Thời gian tới, tùy theo diễn biến tình hình thì Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo với Chính phủ có giải pháp để huy động vào thời điểm thích hợp” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.