Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu theo nguyên tắc thị trường

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, Luật mới gồm 8 Chương và 59 Điều, thay thế Luật số 69/2014/QH13, với những nội dung đổi mới được kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi tích cực cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Bước đột phá về trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận giới thiệu về Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, về phạm vi, khác với Luật cũ, Luật này bỏ cụm từ "sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh" và "giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp". Nội hàm "quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" nay đã bao gồm nội dung về sử dụng và giám sát vốn nhà nước, kế thừa có chọn lọc từ Luật 69/2014/QH13.

Đối tượng áp dụng của Luật được mở rộng, bên cạnh áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp thì còn bao gồm các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ Ngân hàng chính sách). Luật 69/2014/QH13 trước đây chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, Luật cũng cho phép các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên áp dụng Luật này để quản lý và đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Để thực hiện quyền chủ sở hữu theo nguyên tắc thị trường, Luật quy định chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền và trách nhiệm trên nguyên tắc minh bạch, hiệu quả, theo cách thức thông thường như các chủ sở hữu khác. Nhà nước sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình của các cấp lãnh đạo.

Luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước dưới mức dự án quan trọng quốc gia và đầu tư từ các nguồn khác. Đồng thời, xác định rõ các hình thức đầu tư vốn nhà nước và nguồn vốn, tài sản để đầu tư.

Nhằm khơi thông nguồn lực, tăng cường năng lực tài chính, Luật đã rà soát, bổ sung phạm vi đầu tư vốn nhà nước thành lập doanh nghiệp để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bao quát các lĩnh vực cần đầu tư vốn nhà nước và đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.

Tăng quyền tự chủ, tăng trách nhiệm

Cung cấp thông tin cụ thể hơn về những quy định đột phá tạo sự thay đổi về quản trị cho doanh nghiệp nhà nước, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết Luật đã tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tách bạch công tác quản lý nhà nước khỏi hoạt động điều hành thường xuyên của doanh nghiệp.

Trong đó, nguyên tắc căn bản của Luật là trao quyền cho chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đối với phần vốn góp như những nhà đầu tư thông thường khác. Điều này được thể hiện rõ qua các quy định tại Chương 3 của Luật về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao đáng kể quyền của doanh nghiệp.

Cụ thể, một điểm nổi bật về tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp là quyền ban hành chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm. Trước đây, chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm do cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành. Tại Luật này, quyền chủ động này được trao cho doanh nghiệp, cho phép họ ban hành chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm và kế hoạch kinh doanh hằng năm, từ đó tháo gỡ vướng mắc về việc chậm trễ trong ban hành có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu nhà nước sẽ tập trung vào việc quản lý các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu, lợi nhuận, và tỷ suất lợi nhuận trên vốn.

Bước đột phá về trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính, thông tin thêm về các nội dung mới của Luật.

Đối với quyền huy động vốn, Luật mới trao quyền cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tự quyết định phương án huy động vốn và chịu trách nhiệm về hiệu quả. Trường hợp huy động vốn vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo để cơ quan đại diện chủ sở hữu theo dõi, giám sát thay vì phải xin phê duyệt như trước đây.

Về quyền quyết định dự án và khoản đầu tư, Luật mới tháo gỡ vướng mắc khi các dự án đầu tư đạt đến một giá trị nhất định phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để chấp thuận, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến việc triển khai. Như vậy, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty có nhiều quyền hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư. Nếu dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư hoặc các luật chuyên ngành (như Luật Dầu khí, Luật Điện lực), thẩm quyền sẽ thực hiện theo các luật đó và không phải báo cáo lên cơ quan đại diện chủ sở hữu, chỉ những trường hợp ngoài các quy định này mới thực hiện theo Luật mới.

Với báo cáo tài chính và chính sách tiền lương, tiền thưởng, doanh nghiệp được trao quyền tự thông qua báo cáo tài chính hằng năm và tự quyết định vấn đề tiền lương, tiền thưởng.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước nhấn mạnh, những nội dung này là đột phá, kỳ vọng sẽ trao nhiều quyền hơn cho doanh nghiệp, tháo gỡ và khơi thông nguồn lực hiện có, giúp các doanh nghiệp phát huy và sử dụng hiệu quả hơn vốn nhà nước đã đầu tư.

Có hiệu lực sớm để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp

Dự kiến ban đầu, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Tuy nhiên, để đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tạo nền tảng cho tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội để đẩy sớm tiến độ hiệu lực của Luật từ ngày 1/8/2025. Cơ quan chủ trì soạn thảo hy vọng những thay đổi này sẽ kịp thời khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng chung và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế.