Chính sách tài khóa - động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa Văn Chung

Vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa theo sát tiến độ thu ngân sách

Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ tích cực cho phục hồi của kinh tế. Ví “chính sách tài khóa chính là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế” quả không sai khi thời gian qua, trước thách thức chưa từng có trong tiền lệ bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương trong quý I/2024 được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023. Theo phân tích của Bộ Tài chính, số thu quý I đạt khá so dự toán chủ yếu do đã tập trung thu các khoản phát sinh quý IV/2023 và chênh lệch theo quyết toán thuế năm 2023 như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng các đối tượng nộp theo quý, thuế thu nhập cá nhân... theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý I/2024.

Ngoài ra, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 25%) so dự toán. Số thu trên địa bàn, ước tính có 29/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 30% dự toán; 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Ngân sách được điều hành ổn định

Quý I/2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023. Số thu trên địa bàn, ước tính có 29/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 30% dự toán; 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối NSNN quý I đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2023.

Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối NSNN quý I đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2023. Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Có thể khẳng định, Bộ Tài chính đã đạt được các mục tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước. Theo đó, nợ công, nợ chính phủ được kiểm soát thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra, thu ngân sách đảm bảo cho các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Dù kết quả tài chính - NSNN đạt khả quan trong quý I, nhưng Bộ Tài chính không chủ quan trong điều hành. Trong cuộc họp giao ban triển khai công tác quý II/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đề nghị cơ quan Thuế, Hải quan phải tăng cường dự báo công tác thu để có biện pháp điều hành phù hợp. Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp thu NSNN, chống thất thu, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, góp phần thu đúng, thu đủ về NSNN.

Coi việc của doanh nghiệp như việc của mình

Còn nhớ, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, đến dự với ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành Tài chính phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp như việc của mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Quay trở lại, doanh nghiệp có đóng góp cho ngân sách, từ đó mới có nguồn thu bền vững. Điều đó, Bộ Tài chính đã làm được theo đúng chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.

Bên cạnh triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN, 3 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách được giao, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục các giải pháp thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí. Năm 2024, cơ quan quản lý khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Chính sách tài khóa - động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ấn tượng

Đồng thời, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thông qua chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách hành chính để luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý.

Trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt, gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều biện pháp cải cách thể chế đối với các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… thực hiện các biện pháp củng cố niềm tin thị trường, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư thỏa thuận các giải pháp giãn nợ, thay đổi hình thức thanh toán phù hợp.

Chính phủ điều hành chính sách tài khóa đúng hướng

Nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn trong top dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong khối các cơ quan của Chính phủ và là đơn vị tiên phong tiến hành chuyển đổi số. Cho đến nay, hầu hết các lĩnh vực trong ngành Tài chính về cơ bản đều đã có những kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ và ngày càng đi vào thực chất hơn, lấy thước đo thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ với báo chí, TS. Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã đi đúng hướng. Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ tích cực cho phục hồi của kinh tế.

Theo bà Dorsati Madani, việc áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chính sách này đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, ngành Tài chính đã “thắng lợi kép” khi vừa thu đạt và vượt NSNN có nguồn chi các nhiệm vụ theo mục tiêu, vừa hỗ trợ được người dân và doanh nghiệp vượt “sóng gió”. Điều này đã nhận được sự đánh giá cao và lời khen từ các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các chính sách gia hạn, giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Cùng với đó, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục giải “bài toán khó” là triển khai chính sách tài khóa mở rộng hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.