PV: Gần đây, giá xăng dầu đang có tín hiệu hạ nhiệt, theo ông việc giảm giá xăng dầu có bền vững không? Có yếu tố gì cảnh báo giá xăng dầu có thể tăng trở lại không?

Chính sách tài khóa sẽ vẫn là động lực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Đức Khang

Ông Nguyễn Đức Khang: Giá xăng dầu đang có chiều hướng giảm theo xu hướng chung của thế giới. Giá dầu Brent và WTI đều đang ở mức quanh vùng trước thời điểm chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra (tháng 2/2022). Với việc các ngân hàng trung ương trên thế giới, tiêu biểu như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang trong quá trình tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, hoạt động kinh tế có xu hướng chậm lại dẫn đến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm trong tương lai.

Thêm vào đó, xung đột Nga – Ukraine nếu chấm dứt sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho việc giá dầu giảm thêm. Theo bộ phận nghiên cứu của Bloomberg, tồn kho dầu thô sẽ chuyển từ trạng thái thâm hụt sang thặng dư (cung lớn hơn cầu) vào quý III năm nay, ở mức 710.000 thùng/ngày. Ở chiều ngược lại, nếu Trung Quốc thực hiện nới lỏng giãn cách có thể làm tăng nhu cầu dầu mỏ, hỗ trợ cho giá dầu đi lên.

PV: Ngoài các yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế, việc xăng dầu giảm giá thời gian qua được thể hiện qua chính sách thuế, phí đối với mặt hàng này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Khang: Gần đây nhất, Chính phủ giảm một nửa thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng xuống còn 10% (từ ngày 8/8/2022). Việt Nam hiện tại chủ yếu nhập khẩu xăng dầu từ Singapore và Hàn Quốc, hai nước đang có hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với ngưỡng thuế suất thuế nhập khẩu xăng là 8%. Việc giảm thuế này sẽ có tác dụng da dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác như Mỹ, các nước Trung Đông và Trung Quốc, tránh việc phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác.

Chính sách tài khóa sẽ vẫn là động lực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

So với các nước phát triển, các nước đang phát triển có tỷ lệ chi phí xăng dầu hay thực phẩm trên thu nhập thường cao hơn. Ở Mỹ tỷ lệ này chỉ khoảng 3% cho xăng dầu và 8 - 9% cho thực phẩm, trong khi người Việt Nam trung bình chi 35% thu nhập cho thực phẩm. Giá xăng dầu ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí di chuyển/vận chuyển còn có ảnh hưởng gián tiếp đến các chi phí khác. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36%. Do đó, việc kiểm soát giá xăng dầu có tác động rất lớn đối với kinh tế vĩ mô.

PV: Theo quan điểm của ông, chính sách tài khóa thời gian tới sẽ còn tiếp tục có những công cụ nào để phát huy hiệu quả trong mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô?

Ông Nguyễn Đức Khang: Việt Nam có nguồn tăng thu ngân sách khi giá dầu tăng. Giá dầu thô nếu ở mức 110 USD/thùng, tác động tăng thu ngân sách nhà nước là khoảng 2.376 tỷ đồng/tháng; còn nếu giá dầu thô ở mức 120 USD/thùng, tác động sẽ là khoảng 2.644 tỷ đồng/tháng.

Như vậy, trong trường hợp lạm phát lên cao, Nhà nước vẫn có khả năng cắt giảm các loại thuế phí để hạ giá xăng dầu nhằm hạ nhiệt lạm phát. Nhìn chung, với xu hướng giá dầu giảm kết hợp cùng với dư địa vẫn còn để kiểm soát giá của Chính phủ, khá là khó để giá xăng dầu có thể tăng lại mức đỉnh vào tháng 6.

PV: Thời gian gần đây các chính sách kết hợp tài khóa và tiền tệ mà Chính phủ thực hiện đã có những tác dụng tích cực như thế nào? Việc kết hợp 2 chính sách này trong thời gian tới tiếp tục thực thi ra sao để duy trì và gia tăng hiệu quả trong kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Khang: Cần lưu ý rằng nguyên nhân lạm phát của Việt Nam phần nhiều là do chi phí đẩy, nên sẽ có độ trễ nhất định so với thế giới, cộng thêm việc FED vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất cơ bản trong các kỳ họp tháng tới để kiềm chế lạm phát ở Mỹ, nhìn chung xu hướng tăng lãi suất trên thế giới sẽ là khó tránh khỏi.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào một bức tranh vĩ mô tích cực, khi các yếu tố cơ bản của vĩ mô Việt Nam hiện tại vẫn đang tốt (dự trữ ngoại tệ tốt, lạm phát ở mức kiểm soát được). Hiện tại, các chính sách tài khóa mở rộng (thúc đẩy đầu tư công, giảm thuế...) có thể sẽ là động lực để hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Lạm phát thấp có thể là yếu tố giảm bớt áp lực tăng lãi suất

Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra rất nhiều USD để giảm áp lực lên tỷ giá, làm giảm dự trữ ngoại tệ, hoặc bán trước kỳ hạn không hủy ngang sang bán giao ngay (spot), tuy nhiên tỷ giá vẫn tăng lên. Các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được điều chỉnh linh hoạt chứ không duy trì bằng mọi giá. Thời gian gần đây, xu hướng lãi suất đang có chiều hướng đi lên, nhưng lãi suất tăng dần sẽ làm giảm áp lực cho tỷ giá, từ đó tránh việc bị giảm dự trữ ngoại tệ quá nhiều. Mặt tích cực là hiện tại lạm phát ở Việt Nam vẫn đang ở mức kiểm soát cho dù lạm phát ở Mỹ và châu Âu ở mức rất cao (8 - 9%). Theo đó, lạm phát thấp sẽ tạo nền tảng cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách lãi suất thấp đễ hỗ trợ nền kinh tế.

PV: Ông có thể dự đoán về xu hướng lãi suất trong nước thời gian tới? Áp lực tăng lãi suất có thể xảy ra hay không và nếu lãi suất tăng thì điều đó có thể gây khó khăn như thế nào trong mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy tăng trưởng?

Ông Nguyễn Đức Khang: Áp lực tăng lãi suất là rất cao trong bối cảnh các nước đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD lên giá so với các loại tiền tệ khác. Trên thế giới, thời điểm hiện tại, chỉ một số ít nước đi ngược lại xu hướng này như Trung Quốc, Nga. Tuy vậy, Chính phủ vẫn muốn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu hạn chế tối đa việc tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp các biện pháp kỹ thuật như siết chặt hơn việc cấp “room” tín dụng cho các ngân hàng. Điều này giúp cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện được mục tiêu kép: cung cấp nguồn vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ cốt lõi cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế; mặt khác, thắt chặt nguồn tiền vào các lĩnh vực quá nóng như bất động sản, tài sản tài chính…

PV: Xin cảm ơn ông!