Bộ Công thương nói gì về vụ sữa giả số lượng cực lớn, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng? Giá sữa giảm mạnh trước thời điểm áp giá trần Vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả: Lỏng lẻo từ công tác quản lý

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết như vậy khi trả lời báo chí liên quan đến các vụ việc sữa giả, thuốc giả vừa được các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện mới đây.

PV: Vừa qua, Thủ tướng có công điện yêu cầu Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả. Lực lượng quản lý thị trường đã và đang triển khai những hoạt động nào để thực hiện công điện của Thủ tướng, thưa ông?

Ông Trần Hữu Linh: Ngay sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước đã tham mưu ngay với Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Công điện 2755/CĐ-BCT ngày 18/4/2025 về việc tăng cường công tác, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo ngày 22/4/2025 gửi Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố để xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất thuốc, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe..., kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Sữa giả, thuốc giả - Nhiều thủ đoạn phạm tội mới
Ông Trần Hữu Linh

Thời gian qua, Bộ Công thương đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các tỉnh về công tác phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật khác.

Đối với mặt hàng sữa, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ; số tiền xử phạt: 2.202 triệu đồng; số lượng hàng hóa vi phạm: 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon.

Đối với mặt hàng thuốc, đã kiểm tra, xử lý 985 vụ vi phạm đối với mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng; xử phạt vi phạm hành chính gần 32 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm trên 881 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 15 tỷ đồng.

PV: Theo ông, những hạn chế nào đã khiến cho việc kiểm soát chất lượng, hậu kiểm và quản lý nhóm sản phẩm quan trọng này kém hiệu quả?

Ông Trần Hữu Linh: Trước tiên, một số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kinh doanh theo quy định pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm. Những sai phạm này chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, sản phẩm, hàng hóa chưa có phản ánh hay dấu hiệu vi phạm để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các đối tượng này đã gian lận trong tên gọi của sản phẩm là “sữa”, “thuốc” nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, “thực phẩm bổ sung”, “Sản phẩm dinh dưỡng công thức”...

Đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng, lĩnh vực trên.

Nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả vừa qua sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Chúng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore…

Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm. Sau đó, chúng thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Sữa giả, thuốc giả - Nhiều thủ đoạn phạm tội mới
Lực lượng thị trường kiểm tra mặt hàng dược phẩm, thiết bị y tế. Ảnh: TL

PV: Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước có đề xuất giải pháp gì để nâng cao cơ chế phối hợp giữa lực lượng chuyên ngành, các bộ, địa phương hiệu quả hơn?

Ông Trần Hữu Linh: Đề nghị các bộ ngành hiện đang có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm, cũng như đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp cung cấp, chia sẻ hoặc thông báo thường xuyên thông tin về các doanh nghiệp đã thực hiện công bố các sản phẩm.

Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chế biến nói chung, thuốc, dược phẩm, sữa nói riêng.

Các lực lượng chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện các Quy chế phối hợp đã ký trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng tổ chức thực hiện hiệu quả.

Các lực lượng chuyên ngành, bộ, ngành và địa phương cần thiết phải xây dựng ngay cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Hữu Linh khuyến cáo, người tiêu dùng cần chủ động nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Khi mua bán hàng hóa, nếu phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần chủ động thông tin, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý.