Dự báo thiên tai dị thường diễn biến phức tạp, khó lường

Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024. Hội nghị nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới và Giờ Trái đất năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), cho biết trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu tác động mạnh của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Năm 2023 ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao nhất toàn cầu và là năm thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam. Nhiệt độ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay đã xuất hiện với trị số 44,2 độ ở Bắc Trung Bộ.

Chủ động giám sát, cập nhật để ứng phó thiên tai dị thường
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M. Đan

Theo ông Hoàng Đức Cường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí tượng thủy văn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và đòi hỏi sự chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội.

Nhận định xu thế thiên tai khí tượng, thủy văn năm 2024, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, theo dự báo, El Nino sẽ suy yếu và chuyển sang pha trung tính sau đó chuyển nhanh sang La Nina trong mùa hè 2024, khoảng 80-85% El Nino kết thúc vào tháng 4-6/2024; khoảng 60 - 65% La Nina sẽ bắt đầu khoảng tháng 7-8/2024.

Trước những dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia thường xuyên cập nhật các bản tin nhận định dài hạn, dự báo sớm trước các đợt thiên tai để các cơ quan, chính quyền địa phương các cấp và người dân chủ động điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó từ sớm, từ xa bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất và giảm thiểu thiệt hại.

Bão và áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ xuất hiện trên Biển Đông tương đương với trung bình nhiều năm (khoảng nửa cuối tháng 6/2024), số lượng áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng ít hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, nhưng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa bão.

Từ nay đến tháng 6/2024 tại phía Bắc, tổng lượng mưa xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm, phía Nam phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm; trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Đối với nắng nóng, tiếp tục có khả năng xuất hiện nhiều đợt hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Về thủy văn, trong mùa khô năm 2024, khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên; mùa lũ năm 2024 trên các lưu vực có hồ chứa lớn như sông Đà, sông Gâm - Chảy ít có khả năng xuất hiện sớm; dòng chảy trên phần lớn các lưu vực sông và hồ chứa có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó

Trong số những thiên tai dị thường, lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, do vậy tại hội nghị, có nhiều ý kiến đề xuất nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với các thiên tai này.

Chia sẻ kết quả cập nhật tình hình sạt lở đất, ông Nguyễn Quốc Khánh - Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho biết, công tác biên tập, cập nhật, chính xác hóa, tăng độ tin cậy của bộ cơ sở dữ liệu trượt lở đất đá đã xác định được hơn 490 điểm trượt lở đất đá có đầy đủ về ngày, giờ, tọa độ trượt. Trong đó, có khoảng 230 điểm trượt của đề án trượt lở quốc gia đã điều tra, cập nhật được chính xác hóa; khoảng hơn 260 điểm trượt lở đất - lũ quét được thu thập, cập nhật thêm từ nguồn tài liệu khác.

Chủ động giám sát, cập nhật để ứng phó thiên tai dị thường

Tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân để chủ động ứng phó thiên tai dị thường. Ảnh: TL

Đánh giá công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian qua, GS.TS Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, cho rằng các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, đối với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo, hiện trạng dự báo đối với loại thiên tai này đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình.

Theo GS.TS Trần Thục, cùng với việc tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra./.