Thông quan bằng giấy phép điện tử

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thời gian thông quan, công khai thông tin về thời gian tiếp nhận, thực hiện thủ tục thông quan đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tổng cục Hải quan đã phát triển, quản lý và vận hành nhiều hệ thống thông tin lớn, cốt lõi trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan và một số các hệ thống phục vụ công tác nội ngành. Các hệ thống thông tin này đã góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Với mô hình hải quan thông minh, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động nắm bắt được toàn bộ thông tin ngay từ khi hàng chưa đến cửa khẩu.
Với mô hình hải quan thông minh, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động nắm bắt được toàn bộ thông tin ngay từ khi hàng chưa đến cửa khẩu.

Có thể kể tới Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS được triển khai chính thức từ tháng 4/2014, thực hiện tiếp nhận khai báo của doanh nghiệp dưới dạng điện tử 24/7; thực hiện phân luồng hàng hóa; tự động thông quan và phản hồi kết quả cho doanh nghiệp. Các hệ thống xử lý nghiệp vụ khác như: Hệ thống tiếp nhận kiểm tra thông tin về phương tiện vận tải, bản khai hàng hóa; hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM), phục vụ việc giám sát hàng hóa tại kho, bãi, cảng; hệ thống quản lý rủi ro; Hệ thống quản lý thông tin giá tính thuế (GTT02); hệ thống thanh toán thuế điện tử; hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu danh mục, biểu thuế và phân loại, mức thuế (MHS); kiểm tra giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành được gửi về từ Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) thông qua Cổng thông tin NSW… đã hỗ trợ cho cán bộ hải quan trong quá trình xử lý nghiệp vụ thông quan, giám sát hàng hóa.

Trong số những ứng dụng nói trên, việc đáng chú ý nhất chính là phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bằng phương thức điện tử thông qua NSW với đầu mối là Cổng thông tin NSW kết nối các hệ thống quản lý chuyên ngành.

Tạo ra năng suất cao hơn

Về lâu dài, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ được tối ưu khi Tổng cục Hải quan triển khai thành công Hệ thống hải quan số và mô hình Hải quan thông minh.

Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, khi áp dụng Hệ thống hải quan số và mô hìnhh quan thông minh, công tác kiểm soát hải quan sẽ hiệu quả hơn nhờ các chức năng kiểm soát hàng hóa và/hoặc kiểm tra quá trình khai báo hàng hóa cũng như khai báo của khách xuất nhập cảnh đã được tự động hóa, quá trình lựa chọn có thể được tiến hành trên cơ sở kỹ càng và có nhiều thông tin hơn.

Thông tin tình báo do hải quan thu thập có thể được đưa vào hệ thống công nghệ thông tin và được xem xét đến khi tiến hành quá trình lựa chọn. Điều này giúp khả năng phát hiện những hành vi gian lận được tăng cường hơn trong môi trường tự động hoá, việc chọn lọc có hệ thống, chính xác và kịp thời hơn.

Hệ thống mới cũng sẽ hỗ trợ cho việc xác định những hàng hóa nhập khẩu khi giá trị khai báo của hàng hoá nằm ngoài các thông số được xác định trước.

Khi hệ thống công nghệ thông tin được cả cơ quan Hải quan, các cơ quan pháp luật và các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả thì tất cả các bên liên quan tới một giao dịch xuất nhập khẩu có thể chuyển dữ liệu tới một hệ thống xử lý tập trung. Cơ quan Hải quan sẽ có thể gửi dữ liệu theo yêu cầu của các đơn vị thông quan tại cửa khẩu biên giới, vì vậy, tạo ra cho ngành Hải quan cơ chế thông quan “một cửa” nhanh chóng. Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ thì dữ liệu sẽ có độ chính xác cao hơn nhờ có các chức năng kiểm tra giá trị và độ tin cậy trong quá trình tiếp nhận dữ liệu; từ đó giúp việc kiểm soát, xử lý các sai lệch của cơ quan Hải quan có thể dễ dàng hơn. Các thao tác kiểm tra này đảm bảo độ tin cậy của các dữ liệu cơ bản dạng thô, những dữ liệu này sẽ được lưu trong hệ thống máy tính của cơ quan hải quan.

Những lợi ích trên giúp tạo ra năng suất cao hơn cho cả cơ quan hải quan và các đối tác kinh doanh; sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn; giảm chi phí cho cả cơ quan hải quan và các đối tác thương mại; thông tin kịp thời và chính xác hơn; khả năng kiểm soát tốt hơn; giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảng và sân bay. Và cho đến cùng, chính là đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý.

235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được triển khai chính thức trên Cơ chế một cửa quốc gia

Đến ngày 20/9/2021, đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được triển khai chính thức trên Cơ chế một cửa quốc gia. Khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp khai báo hồ sơ điện tử và nhận kết quả xử lý, giấy phép của các bộ, ngành thông qua hệ thống. Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa thông qua giấy phép điện tử được cấp qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Doanh nghiệp có thể theo dõi thời gian khai báo, thời gian xử lý, cán bộ/đơn vị xử lý, nhật ký giao dịch của hồ sơ được khai báo. Những hiệu quả này đã được doanh nghiệp ghi nhận.