Chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc. |
Các nhà đầu tư ban đầu đã dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ báo hiệu về khả năng giảm tốc lộ trình nâng lãi suất sau khi quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, lên 3,75% - 4% tại cuộc họp chính sách trong hai ngày 1 - 2/11.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng đó khi nói rằng hiện còn "quá sớm để nghĩ về việc tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ".
Brian Daingerfield, một nhà phân tích tại NatWest Markets, cho biết Fed có thể thực hiện các đợt tăng lãi suất nhỏ với quy mô nhỏ hơn trong một thời gian dài thay vì tiến hành các đợt tăng lãi suất mạnh tay. Thị trường dự báo tỷ lệ lãi suất của Mỹ có thể tăng lên mức 5% - 5,25% vào tháng 5/2023, đồng thời cho rằng ít có khả năng Fed giảm lãi suất trước tháng 12/2023.
Đối với cuộc họp tháng 12 tới, các nhà giao dịch đang chia rẽ về mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm. Dữ liệu hôm 1/11 cho thấy tỷ lệ việc làm đang cần tuyển dụng của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 9/2022, cho thấy đà phục hồi tích cực trên thị trường lao động và việc tăng lãi suất nhanh chóng vẫn chưa tác động mạnh đến nền kinh tế thực của Mỹ. Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý về báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ, dự kiến công bố ngày 4/11 tới.
Phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,9%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.
Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng hạ 39,87 điểm (1,71%), xuống 2.297 điểm, sau khi chứng kiến đà giảm mạnh trên Phố Wall trong đêm trước.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt "nhuộm sắc đỏ", theo chân xu hướng đi xuống tại thị trường Mỹ. Sáng phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 349,43 điểm (2,21%) và 22,17 điểm (0,74%), xuống 15.477,74 điểm và 2.981,20 điểm.
Việc Fed nâng lãi suất đã gây thêm áp lực lên đồng bảng Anh, hiện được giao dịch ở mức 1,1374 USD/bảng Anh, giảm từ mức 1,1564 USD/bảng vào phiên trước.
Đồng USD mạnh lên ngay sau lập trường "diều hâu" của Fed, khiến chỉ số đồng USD tăng từ mức 110,4 lên 112,190 chỉ sau một đêm. Trong khi đó, đồng euro đi ngang ở mức 0,9810 USD/euro. Đồng USD cũng đi lên so với đồng yen của Nhật Bản, lên mức 147,87 yen/USD, từ mức 145,68 yen/USD.
Sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu là lực cản đối với vàng, đang bị "mắc kẹt" ở mức 1.633 USD/ounce sau khi chạm mức 1.669 USD/ounce vào phiên trước đó.
Thị trường dầu mỏ cũng không "thích thú" với đà phục hồi của đồng USD, khi giá dầu Brent giảm 88 xu Mỹ, xuống 95,28 USD/thùng ngay trong buổi sáng của phiên giao dịch 3/11, còn dầu ngọt nhẹ WTI giảm 1,02 USD, xuống 88,98 USD/thùng.
Bên cạnh đó, việc Nga cho biết họ sẽ tiếp tục tham gia vào Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine đã giúp giá lúa mỳ kỳ hạn giảm mạnh chỉ trong một đêm. Trước đó, ngày 31/10, giá lúa mỳ giao kỳ hạn tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) tăng hơn 5%, giá ngô tăng hơn 2% sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine, dấy lên lo ngại về nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.
Liên Hợp quốc cho biết, thỏa thuận ngũ cốc đạt được hồi tháng 7 năm nay đã giúp hạ giá lương thực toàn cầu khoảng 15% so với mức đỉnh hồi tháng 3, giữa bối cảnh khoảng 40% nguồn cung lúa mỳ trên thế giới đến từ Ukraine, quốc gia thường được gọi là “vựa lúa mỳ của châu Âu”.
Tờ The Guardian nhận định thỏa thuận này là rất quan trọng để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trầm trọng do cuộc xung đột, vì lương thực của Ukraine được xuất khẩu trên khắp thế giới, tới cả các quốc gia đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng theo nội dung của các chương trình cứu trợ. Trong khi đó, chương trình Lương thực Thế giới hồi đầu năm nay đã cảnh báo rằng xung đột tại Ukraine có thể dẫn đến một “nạn đói nghiêm trọng” nếu không có một thỏa thuận xuất khẩu lương thực.