Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 2/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam liên quan đến thuế quan.
Dù chưa có thông tin chính thức và chi tiết nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, mức thuế trung bình mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam được nhận định là thấp hơn đáng kể so với mức 46% từng được ông Donald Trump đề cập hồi tháng 4 và phù hợp hơn với kỳ vọng thị trường.
Nhìn về diễn biến trên sàn chứng khoán tại Việt Nam, chỉ số VN-Index ghi nhận phản ứng tích cực nhẹ trong phiên giao dịch ngày 3/7 vừa qua, dù cổ phiếu thuộc nhóm khu công nghiệp và xuất khẩu giảm nhẹ. Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, cổ phiếu của các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng gắn với Việt Nam như Nike, Under Armour hay một số nhà bán lẻ đã tăng giá trong phiên giao dịch trước đó.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích từ VinaCapital, nếu thỏa thuận chính thức được ban hành, mức thuế có thể được phân loại theo từng nhóm sản phẩm, trong đó các mặt hàng sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam có khả năng được áp dụng thuế suất thấp hơn.
“Trong thời gian chờ đợi, mức thuế 10% đang được áp dụng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bao gồm miễn trừ phần lớn đối với nhóm hàng điện tử được kỳ vọng sẽ duy trì cho đến khi có hiệu lực” – chuyên gia từ VinaCapital cho biết.
Một điểm đáng chú ý khác trong tuyên bố của ông Donald Trump cũng đã cho biết về mức thuế sẽ áp dụng đối với hàng hóa "trung chuyển". Theo báo cáo của Đại học Harvard, tỷ lệ hàng trung chuyển được ước tính dao động từ 2% đến 17%, tùy theo ngành và phương pháp tính. Tuy nhiên, khái niệm “trung chuyển” hiện chưa có định nghĩa rõ ràng, và cách thức xác định hàng hóa thuộc nhóm này sẽ là yếu tố then chốt khi đánh giá tác động thực tế của quy định thuế.
Cùng với đó, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã thể hiện nỗ lực kiểm soát hàng hóa trung chuyển, trong đó bao gồm việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa gian lận thương mại và gian lận xuất xứ. Việc tiếp tục làm rõ các tiêu chí về nguồn gốc và giá trị gia tăng nội địa sẽ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ uy tín xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ và quốc tế.
Xét về tác động kinh tế, các chuyên gia của VinaCapital cho rằng, dù đây là một tuyên bố tích cực ban đầu, nhưng chưa đủ để tạo ra tác động đáng kể đến tăng trưởng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng. Tổng vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2025 đã vượt 15 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ và tương đương hơn 7% GDP. Các lợi thế về chi phí, chất lượng lao động, quy mô dân số và vị trí địa lý tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, miễn là mức thuế áp lên hàng xuất khẩu không vượt quá đáng so với các nước trong khu vực.
“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố nội tại như đầu tư công cho hạ tầng, sự phục hồi của thị trường bất động sản và nỗ lực cải cách hành chính, hơn là chỉ phụ thuộc vào thương mại đối ngoại. Những cải cách này, được ví như làn sóng “Đổi mới 2.0”, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng và thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới” - các chuyên gia từ VinaCapital khẳng định./.