Ngày 9/11, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) tổ chức diễn đàn “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Con đường để tiến về phía trước của Việt Nam”, nhằm tìm giải pháp phát huy tiềm năng to lớn của số hóa cho nông nghiệp Việt Nam.

Công nghệ số có thể giúp cách mạng hóa ngành nông nghiệp

Theo các chuyên gia, ở một quốc gia mà nông nghiệp vẫn là một trụ cột chiến lược của nền kinh tế như Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mang đến cơ hội hiếm có giúp tăng năng suất, nâng cao tính bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho nông dân sản xuất nhỏ.

Việc sử dụng các công cụ và công nghệ kỹ thuật số hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng truy suất nguồn gốc và tính bền vững của các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam như gạo, hạt tiêu, cà phê. Những tiến bộ này rất quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ cơ hội cho các nhà sản xuất lương thực trong nước.

Chuyển đổi số thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp
Toàn cảnh sự kiện

Ông Thomas Jacob - Giám đốc Quốc gia IFC Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, số hóa thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Nếu tối đa hóa được công nghệ có thể giảm được 40% lượng phát thải trong ngành nông nghiệp đồng thời có thể tăng được giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Nghiên cứu cho thấy, ứng dụng kỹ thuật số trong nông nghiệp có tiềm năng góp phần vào thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030 của Việt Nam, khi hàng năm ngành nông nghiệp đang đóng góp khoảng 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Theo bà Crolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được rất nhiều tiến bộ đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn cần được giải quyết để có thể phát huy tối đa tiềm năng phát triển của ngành cũng như góp phần vào mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Bà Crolyn Turk cho rằng, chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng cho tương lai ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Cơ hội nằm ở sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI. Vấn đề là Việt Nam cần phải hành động để có thể nắm bắt được cơ hội này.

Bà chia sẻ một số ví dụ về cách thức công nghệ số có thể cách mạng hóa ngành nông nghiệp. Đơn cử như, công nghệ nông nghiệp chính xác tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, giúp người nông dân có thể đưa ra các quyết định dựa trên các dữ liệu để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực; hệ thống truy suất nguồn gốc được số hóa phục vụ cho an toàn thực phẩm, giúp đảm bảo tính minh bạch tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, tạo cơ hội tiếp cận rộng rãi với các thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, nền tảng thương mại điện tử giúp kết nối nông dân với người tiêu dùng mà không cần qua thương lái trung gian, giúp giảm chi phí giao dịch, nông dân có được lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra còn có hệ thống thanh toán kỹ thuật số để mở rộng các dịch vụ tài chính, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số, tăng khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn; ứng dụng AI sáng tạo trong nông nghiệp cung cấp kiến thức và hỗ trợ nông nghiệp cho nông dân…

Cần sự phối hợp chặt chẽ của 4 nhà

Công nghệ số có tiềm năng to lớn giúp thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vị Giám đốc WB tại Việt Nam cũng thừa nhận rằng, hiện vẫn còn nhiều thách thức.

Ví dụ như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng công nghệ kỹ thuật số còn hạn chế khi chưa đến 8% hợp tác xã đang ứng dụng các công nghệ số một phần; kỹ năng nhận thức và sử dụng thiết bị thông minh của nông dân vẫn còn ở mức thấp; các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp chưa đầu tư đáng kể cho vấn đề chuyển đổi số; khả năng tiếp cận tài chính của nông dân còn hạn chế.

Theo bà, để khai thác được tối đa lợi ích của công nghệ kỹ thuật số thì điều quan trọng là sự phối hợp của 4 nhà. Chính phủ, khu vực tư nhân, nông dân, các nhà nghiên cứu và chuyên gia về phát triển phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Qua đó, tìm hiểu những chính sách khả thi, công cụ kỹ thuật phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, đồng thời kết hợp các kinh nghiệm quốc tế tốt.

Chuyển đổi số thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp
Các diễn giả tại phiên thảo luận

Thống kê cho thấy, về khung pháp lý, Việt Nam đã có nhiều văn bản khuyến khích số hóa ngành nông nghiệp như: Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 5275/QĐ-BNN-VP của Bộ NNPTNT ban hành Kế hoạch chuyển đổi số nhằm khởi động chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp; Quyết định 1837/QĐ-BNN-CĐS ban hành kế hoạch chuyển đổi số Bộ NNPTNN năm 2023; các quyết định ban hành kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp của các tỉnh, thành trong nước…

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NNPTNN khẳng định, chuyển đổi số là rất quan trọng với ngành nông nghiệp, với hơn 10 triệu hộ nông dân và hơn 30 triệu lao động đang trực tiếp sản xuất trong ngành này tại Việt Nam.

Trong ngành nông nghiệp, chuyển đổi số không chỉ giúp cho nông dân tiếp cận thị trường nhanh chóng mà còn giúp cho họ tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát của các quy trình sản xuất. Hơn nữa, chuyển đổi số còn tạo ra sự minh bạch trong từng khâu sản xuất, từ gieo trồng tới thu hoạch và phân phối. Đây là điều rất quan trọng.

“Chuyển đổi số ở Việt Nam là rất khó và trong ngành nông nghiệp còn khó hơn nhiều vì đối tượng tác động và liên quan trực tiếp là nông dân. Nông dân là đối tượng yếu thế trong chuyển đổi số. Nhưng chúng tôi xác định rằng, sự yếu thế này có thể là lợi thế của ngành nông nghiệp nếu biết cách làm và đầu tư từ đầu một cách bài bản, chính xác thì chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ thành công” - ông Hiệp nhận định.

Cũng theo ông Hiệp, trong chuyển đổi số, người lãnh đạo là người tiên phong, truyền cảm hứng và vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng. Ở đâu người lãnh đạo có quyết tâm cao, chỉ đạo đúng thì sẽ thành công.

WB và IFC hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam bằng cách xác định và thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số trọng tâm giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Hai tổ chức này tập trung hỗ trợ phát triển những công nghệ đột phá để tăng cường an ninh lương thực và mở rộng cơ hội thị trường cho nông dân sản xuất nhỏ cũng như các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm của Việt Nam.