Nhiều chính sách tài chính xanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng dòng vốn xanh Mong mỏi danh mục phân loại xanh để thông dòng vốn xanh |
Sáng ngày 9/5 tại Hà Nội, FiinGroup đã tổ chức hội thảo "Nâng tầm uy tín báo cáo phát triển bền vững: Vai trò của đánh giá độc lập và đảm bảo", với sự tham dự của hơn 50 đại biểu là hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), đối tác FiinGroup, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững thông qua nhiều chính sách mới, đáng chú ý như Khung phân loại tín dụng xanh và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
Cũng tại hội thảo, FiinGroup vinh dự đón nhận Chứng nhận Tổ chức Đạt chuẩn Quốc tế từ ACCA - dấu mốc quan trọng khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ đánh giá ESG độc lập tại thị trường Việt Nam.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Hương. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings nhấn mạnh, phát triển bền vững không chỉ là đòi hỏi từ thị trường tài chính, mà còn là điều kiện tiên quyết trong hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất nhập khẩu.
“ESG không chỉ phục vụ thị trường trái phiếu, cổ phiếu, mà đang dần trở thành tiêu chí bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều đối tác thương mại hiện yêu cầu chấm điểm ESG như một điều kiện hợp tác” - ông Thuân chia sẻ.
Theo ông Thuân, ESG đã được tích hợp trong nhiều khung pháp lý quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chứng khoán (2019), Luật Doanh nghiệp, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã đề cập rõ định hướng thúc đẩy tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đạt chuẩn ESG thông qua ưu đãi lãi suất.
Trong lĩnh vực chứng khoán, các quy định như Nghị định 155 và Thông tư 96 đã mở rộng yêu cầu công bố thông tin ESG tới cả công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán. Ông Thuân dẫn chứng, số lượng doanh nghiệp niêm yết có báo cáo phát triển bền vững riêng đã tăng từ 21 lên 33, theo dữ liệu từ Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) lần thứ 17.
Tuy vậy, ông Thuân cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản hiện hữu: “Thị trường hiện vẫn thiếu một bộ tiêu chí phân loại xanh thống nhất, thiếu dữ liệu chuẩn để đánh giá và so sánh, trong khi hoạt động đánh giá, xác minh độc lập còn hạn chế. Đặc biệt, lợi ích tài chính cụ thể như mức lãi suất ưu đãi cho trái phiếu xanh - hay còn gọi là greenium vẫn chưa được chứng minh rõ ràng tại Việt Nam”.
Ở lĩnh vực tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, Việt Nam đã có những bước đi ban đầu như Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng, cùng các nghị định hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, các giao dịch ESG hiện vẫn ở giai đoạn khởi phát, mang tính tự nguyện và chưa hình thành dòng vốn bền vững có quy mô.
“Đẩy mạnh tài chính xanh là chủ trương lớn, nhưng để tạo được dòng chảy thực sự thì cần có các kế hoạch hành động cụ thể về thể chế và chính sách. Trong khi thế giới và khu vực ASEAN đã chứng minh rõ lợi ích của tài chính bền vững như giảm chi phí vốn, kéo dài kỳ hạn và mở rộng cơ sở nhà đầu tư thì Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ khuyến khích sang hành động thực tiễn” - ông Thuân nhận định.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và áp dụng các công cụ tài chính xanh phù hợp với đặc thù ngành nghề và dự án đầu tư, thay vì chờ đợi chính sách hoàn chỉnh. “Với vai trò là tổ chức đánh giá độc lập, FiinGroup và FiinRatings mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy minh bạch, hạn chế rủi ro greenwashing và mở rộng tiếp cận nguồn vốn xanh cho cả khu vực tư nhân và công lập” - ông Thuân nói.
Theo ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính, ESG đã trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư và lựa chọn đối tác của các tổ chức tài chính, nhà đầu tư quốc tế, vì họ ngày càng quan tâm đến khả năng quản trị rủi ro, minh bạch thông tin và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Để tiếp cận hiệu quả dòng vốn này, việc thực hiện ESG nghiêm túc là điều kiện tiên quyết. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí pháp lý quan trọng, nhưng vẫn cần hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Để hòa nhịp cùng chuẩn mực quốc tế và đáp ứng kỳ vọng của thị trường vốn toàn cầu, Việt Nam cần thực hiện các bước đi mạnh mẽ và đồng bộ hơn về thể chế và thực thi. |