Mong mỏi danh mục phân loại xanh để thông dòng vốn xanh
Việc thiếu tiêu chí cụ thể làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của các dự án thực sự thân thiện với môi trường. Ảnh tư liệu

Sở dĩ quá trình chuyển đổi sang tín dụng xanh và trái phiếu xanh thời gian qua gặp nhiều thách thức, theo ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, hiện vẫn thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh trong các dự án.

Việc thiếu bộ tiêu chí phân loại xanh gây khó khăn lớn cho các ngân hàng và tổ chức tài chính trong việc phân loại dự án nào tuân thủ tiêu chí về xanh hóa và đạt tiêu chuẩn tài trợ. Việc không có tiêu chuẩn rõ ràng cũng dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đánh giá độ an toàn và tính minh bạch của các khoản đầu tư vào tín dụng xanh và trái phiếu xanh.

Khoảng trống khiến ngân hàng khó cho vay

Cũng theo ông Lê Hoài Ân, việc thiếu tiêu chí cụ thể còn làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của các dự án thực sự thân thiện với môi trường, bởi vì nhà đầu tư và ngân hàng không thể phân biệt rõ đâu là dự án đạt chuẩn xanh. Thời gian qua, nhiều dự án tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc xử lý chất thải chưa thể nhận tài trợ thích đáng, vì không có bộ tiêu chí làm cơ sở phân loại.

“Đối với phân khúc tài trợ từ các quỹ đầu tư xanh quốc tế, với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện”, ông Ân nêu rõ vướng mắc.

Thống kê cho thấy, quy mô thị trường trái phiếu xanh nội địa hiện mới đạt khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, mặc dù có nhiều nỗ lực song đến nay, dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng vẫn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 665.000 tỷ đồng đến cuối quý III/2024, chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế.

Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vi sinh trong suốt 11 năm qua, bà Bùi Bích Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Emcom, doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc nhà cửa, sức khỏe và sắc đẹp theo công nghệ vi sinh Nhật Bản, từng trải lòng việc khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các chính sách vì doanh nghiệp không đáp ứng được nhiều tiêu chí của ngân hàng dù đóng góp nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Theo lãnh đạo Emcom, ngoài việc đặt ra tiêu chí doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu cụ thể về kế hoạch kinh doanh, khả năng tài chính, các tổ chức tín dụng cần nhìn nhận thêm doanh nghiệp đóng góp được gì cho xã hội và có tiêu chí đo lường được những giá trị mang lại.

“Chúng tôi sẵn sàng cùng các cơ quan, ban, ngành xây dựng những tiêu chí đánh giá hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mang lại những giá trị thiết thực và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống”, bà Liên nói.

Chấm điểm, lượng hóa cụ thể các tiêu chí

Để triển khai hiệu quả chiến lược ngân hàng xanh, chia sẻ gần đây, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Agribank cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, ban, ngành cần sớm xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh. Trên cơ sở đó, để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh.

Đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng thương mại tiếp cận được nhiều hơn các quỹ tài chính, nguồn vốn xanh về hỗ trợ kỹ thuật hoặc cho vay ưu đãi của các tổ chức trên thế giới; có chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp, ngân hàng thương mại chủ động triển khai hiệu quả và được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao.

Nhấn mạnh lợi ích từ việc ban hành bộ tiêu chí xanh, theo ông Lê Hoài Ân, điều này sẽ đẩy mạnh tài trợ cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường, mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn lớn từ cả trong và ngoài nước, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính quốc tế đang chú trọng đến phát triển bền vững.

Theo gợi ý từ vị chuyên gia này, bộ tiêu chuẩn này cần bao gồm các tiêu chí cụ thể như khả năng giảm phát thải khí CO2, tính hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên, tác động tích cực đến cộng đồng và việc thực thi các chuẩn mực quản trị minh bạch. Chẳng hạn, một dự án có thể được coi là đạt tiêu chuẩn môi trường nếu giảm ít nhất 30% phát thải khí nhà kính so với tiêu chuẩn ngành, tích cực cải thiện phúc lợi xã hội và duy trì quy trình quản trị rõ ràng, minh bạch.

Các tiêu chí sẽ được xếp hạng theo thang điểm từ 1-5 dựa trên các mức độ đạt được của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp cũng biết những điều cần cải thiện để có thể đạt mức điểm tuân thủ cao hơn; đồng thời, các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính có thể sử dụng các kết quả đánh giá này để xếp hạng lựa chọn doanh nghiệp và cơ hội đầu tư tiềm năng.

Mong mỏi danh mục phân loại xanh để thông dòng vốn xanh

Hạn chế tín dụng dự án tác động xấu đến môi trường

Xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay, từ đó, không cấp hoặc hạn chế tín dụng mới đối với những dự án tác động xấu đến môi trường. TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank