Danh mục phân loại chính thức ban hành - "mũi tên trúng nhiều đích"

Theo ông Vũ Chí Dũng - Trưởng Ban Pháp chế và Đối ngoại (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thị trường trái phiếu xanh, đặc biệt trong bối cảnh các cam kết quốc tế và chính sách trong nước ngày càng hội tụ. Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, tổng giá trị trái phiếu xanh phát hành tại Việt Nam mới đạt khoảng 1,4 tỷ USD, đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng cũng như nhu cầu vốn phục vụ quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Mở đường cho làn sóng đầu tư bền vững

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Việt Nam dự kiến sẽ cần khoảng 20 tỷ USD/năm để triển khai các dự án xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Để đáp ứng nhu cầu vốn lớn này, trái phiếu xanh là một kênh huy động quan trọng nhờ đặc điểm kỳ hạn dài và lãi suất tương đối ổn định, phù hợp với các dự án hạ tầng có thời gian thu hồi vốn dài.

Không chỉ giới hạn ở khối doanh nghiệp, trái phiếu xanh còn có thể được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ bản phục vụ phát triển xanh. Một điểm tích cực là thị trường hiện ghi nhận xu hướng chuyển dịch từ khối tài chính - ngân hàng sang các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, thủy sản bền vững, hạ tầng xanh…, phản ánh làn sóng “xanh hóa” ngày càng lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ động hoàn thiện hệ sinh thái trung gian, ngăn hiện tượng "tẩy xanh"

"Chúng tôi chủ động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trung gian: tổ chức xác minh độc lập, đơn vị đánh giá tiêu chí xanh, công ty tư vấn phát hành... Đây là mắt xích quan trọng để bảo đảm chất lượng phát hành và ngăn ngừa hiện tượng "tẩy xanh". Ngoài ra, công tác đào tạo, hội thảo kỹ thuật đã được triển khai để nâng cao nhận thức và năng lực thị trường, đây là yếu tố không thể thiếu nếu muốn trái phiếu xanh lan tỏa rộng rãi". Ông Vũ Chí Dũng - Trưởng Ban Pháp chế và Đối ngoại (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Một điểm rất mới, danh mục phân loại xanh của Việt Nam chính thức được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4/7/2025 quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh (Quyết định 21).

Trong báo cáo tâm điểm tài chính xanh với chủ đề "Danh mục phân loại xanh của Việt Nam được ban hành: Mở đường cho làn sóng đầu tư bền vững" do Công ty cổ phần FiinRatings mới ban hành, nhóm nghiên cứu đánh giá, các tiêu chí kỹ thuật xoay quanh việc đạt chuẩn về công nghệ sản xuất giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng và hệ thống quản lý môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế tương ứng.

Điều này giúp duy trì tính nghiêm ngặt trong việc phân loại, giảm thiểu rủi ro “tẩy xanh” (greenwashing) và đảm bảo chỉ dự án thực sự đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và cam kết với mục tiêu giảm phát thải mới tiếp cận được nguồn vốn xanh.

Chỉ rõ cơ hội với các tổ chức tín dụng khi danh mục này ban hành, FiinRatings cho rằng, các ngân hàng sẽ có cơ hội mở rộng các sản phẩm tín dụng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu theo hướng phát triển bền vững. Từ đó, tăng khả năng tiếp cận vốn ngoại từ các định chế tài chính nước ngoài.

Với doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, danh mục giúp doanh nghiệp tiếp cận kênh vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh. Một trong những lợi ích nổi bật là khả năng tận dụng "greenium" - đây là phần chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu xanh và trái phiếu thông thường cùng kỳ hạn.

"Greenium trung bình được ghi nhận trong ASEAN+3 là 15 điểm cơ bản trên thị trường sơ cấp, đặc biệt cao hơn với trái phiếu được chứng nhận đáng tin cậy hoặc định giá bằng nội tệ" - FiinRatings dẫn chứng.

Đối với nhà đầu tư trái phiếu, khung này cung cấp công cụ để nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác hơn về tính bền vững và rủi ro gây hại tiềm tàng của dự án. Ngoài ra, trái phiếu xanh còn mang lại tiềm năng lợi nhuận hấp dẫn thông qua các ưu đãi tài chính và chính sách khuyến khích.

"Bộ lọc" các dự án xanh

Quyết định 21 cũng chỉ ra 2 phương án xác nhận chính thức lĩnh vực, loại hình dự án thuộc danh mục. Theo đó, một là, cơ quan cấp ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước và tín dụng xanh, trái phiếu xanh tự tổ chức xác nhận. Hai là, thông qua tổ chức đánh giá độc lập đáp ứng quy định.

"Chúng tôi đánh giá sự điều chỉnh này giúp phía cung của nguồn vốn có sự chủ động hơn trong việc xác nhận và lựa chọn các dự án phù hợp với tiêu chí riêng, khẩu vị rủi ro và cấu trúc danh mục của mỗi doanh nghiệp. Đối với tổ chức xác nhận độc lập, quy định chính thức đã chỉnh lý theo hướng không nêu tên tổ chức cụ thể, mà đặt ra các tiêu chí về tính pháp lý, ngành nghề kinh doanh cũng nhưng năng lực chuyên môn của đội ngũ chuyên gia để tổ chức có thể tham gia hoạt động xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh" - nhóm phân tích FiinRatings đánh giá.

Ngoài ra, danh mục phân loại xanh mới cũng tăng cường mức độ ràng buộc pháp lý của tổ chức xác nhận độc lập khi yêu cầu các tổ chức này chịu trách nhiệm trước “pháp luật, cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về kết quả xác nhận”, hạn chế trục lợi chính sách.

Đây có thể là rào cản đối với các tổ chức muốn tham gia thị trường, song vẫn thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị xác nhận đạt chuẩn, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho thị trường và góp phần kiểm soát rủi ro “tẩy xanh” trong tương lai.

Dù vậy, có thể xảy ra những vướng mắc ban đầu có thể gặp phải liên quan đến quy trình xác nhận và chứng nhận. Theo FiinRatings, năng lực chuyên môn chưa có sự đồng bộ giữa các thành viên thị trường và ở Việt Nam chưa có nhiều tổ chức xác nhận và chứng nhận có năng lực được đảm bảo bởi các tổ chức uy tín. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc quản lý các tổ chức này chưa được hướng dẫn cụ thể để tháo dỡ rào cản cho các doanh nghiệp có mong muốn triển khai.

Danh mục phân loại xanh gồm 45 lĩnh vực, 7 nhóm ngành, mở đường cho tài chính xanh phát triển

Danh mục phân loại xanh được quy định với 45 lĩnh vực, loại hình dự án thuộc 7 nhóm ngành, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho thị trường tài chính xanh trong nước. Khung này thiết lập tiêu chí môi trường thống nhất để xác định và sàng lọc các dự án đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của các ngành trọng điểm tại Việt Nam.

Về phạm vi triển khai, danh mục phân loại xanh quy định về: các tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; thủ tục xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh. Đối tượng áp dụng gồm chủ dự án có nhu cầu được hưởng ưu đãi về tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

So với dự thảo Quyết định kèm theo Tờ trình số 88/TTr-BTNMT2 năm 2022, phiên bản ban hành chính thức đã tinh giản danh mục phân loại xanh, giảm số dự án từ 80 xuống còn 45 lĩnh vực, loại hình dự án và thu hẹp từ 9 còn 7 nhóm ngành tương ứng, gồm: năng lượng, giao thông vận tải; xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ môi trường và tài nguyên nước.