no

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lượng dư nợ được cơ cấu lại tại các ngân hàng tương đối lớn.

Điều đó sẽ giúp các ngân hàng có thể xử lý được rủi ro nợ xấu trong tương lai (nếu xảy ra), từ đó tránh những rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng và toàn nền kinh tế.

Ngân hàng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ

Cuối tháng 5/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định xây dựng và công bố dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01). Theo đó, tại dự thảo, NHNN đề xuất, sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi nợ được áp dụng cơ chế quy định tại Thông tư 01.

Cụ thể, cho phép TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 25/4/2020. Đồng thời, cho phép các TCTD không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01, khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.

Hiện NHNN vẫn chưa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Đề cập đến sự chậm trễ này, một số ý kiến cho rằng, giữa NHNN và Bộ Tài chính vẫn chưa thống nhất được quan điểm về một số nội dung trong dự thảo.

Liên quan đến ý kiến này, bà Đỗ Thúy Minh – Trưởng phòng Ngân hàng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định tại Điều 131 Luật Các TCTD, việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro (TLDPRR) và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do NHNN quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Như vậy, thẩm quyền ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 là của NHNN, Bộ Tài chính chỉ tham gia trên góc độ phối hợp xây dựng chính sách tín dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn vốn cho các NH và phối hợp chính sách tài khóa – tiền tệ để thực hiện với mục tiêu điều hành giảm lãi suất. Theo đó, về phía Bộ Tài chính, đồng ý với quan điểm của NHNN cho phép các TCTD được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) để hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng thống nhất với quy định tại Thông tư 01 là số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, TCTD không hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.

Bên cạnh hai điểm trên, Bộ Tài chính cũng đề nghị NHNN xem xét để quy định các TCTD khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, vẫn phải đánh giá đầy đủ về những rủi ro có thể phát sinh từ khoản nợ đã được cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện TLDPRR đầy đủ theo quy định. Tức là, nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) được giữ nguyên nhóm nợ, nhưng nếu bản chất nhóm nợ này đã trở thành nhóm nợ xấu thì TCTD cần thực hiện TLDPRR cho khoản nợ đó.

Lý do Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là bởi sự quan ngại trong trường hợp xảy ra rủi ro đối với khoản nợ đáng lẽ chuyển thành nợ xấu nhưng vẫn được giữ nguyên ở nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, thì các TCTD không có đủ nguồn dự phòng để xử lý. Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng cho biết, liên quan đến việc góp ý cho dự thảo sửa đổi Thông tư 01, Bộ Tài chính đã có 3 công văn gửi NHNN. Tại dự thảo lấy ý kiến Bộ Tài chính gần đây nhất, NHNN cũng đã cân nhắc ý kiến góp ý của Bộ Tài chính để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 01.

Đảm bảo trích lập dự phòng để kiểm soát rủi ro tín dụng

Bình luận về những điểm sửa đổi được quy định tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những quy định tại dự thảo đã tháo gỡ phần nào khó khăn cho cả NH và DN. Theo đó, dự thảo thông tư giúp DN không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu để tiếp tục vay vốn; trong khi đó, về phía các nhà băng, dư nợ được cơ cấu lại vẫn được tính là nợ đủ tiêu chuẩn, nhà băng không chuyển nhóm nợ, cũng chưa phải tăng TLDPRR tín dụng cho các khoản nợ.

Tuy nhiên theo ông Hiếu, đây vừa là mặt tích cực, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các TCTD. Bởi lẽ, theo phân tích của ông Hiếu, khi DN mất khả năng trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ đúng hạn mà vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, không bị chuyển nhóm nợ, sẽ khiến các NH phần nào không nhận diện được chính xác khối nợ xấu, từ đó có thể dẫn đến không kiểm soát tốt các khoản nợ xấu, không kịp thời TLDPRR, tạo lợi nhuận ảo… “Việc giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khoản nợ mà đáng lẽ ra đã phải nhảy 1, 2 nhóm nợ, đã phần nào làm cho “bức tranh” nợ xấu và chất lượng tài sản của NH đó bị lệch đi và có phần không chính xác” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ sự phân tích trên, ông Hiếu cho rằng, các NH nên dè dặt trong việc thực hiện quy định được giữ nguyên nhóm nợ thực hiện theo Thông tư 01. “Lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn. Nếu sau thời điểm Thông tư 01 hết hiệu lực mà DN vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các NH sẽ tăng rất mạnh, những NH chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ xoay sở không kịp. Do đó, hiện các NH được thực hiện quy định không phải chuyển nhóm nợ, không phải trích lập dự phòng tương ứng, song để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các NH cần chủ động tăng TLDPRR cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa” – ông Hiếu khuyến nghị.

Thẩm quyền ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 là của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chỉ tham gia trên góc độ phối hợp xây dựng chính sách tín dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn vốn cho các ngân hàng và phối hợp chính sách tài khóa – tiền tệ để thực hiện với mục tiêu điều hành giảm lãi suất.

Diệu Thiện