tim co phieu gia tot

Nhà đầu tư "săn" blue chip tại sàn SJCS. Ảnh Đỗ Doãn

Đó là nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tại Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 10/2015 vừa được công bố.

Khối ngoại bi quan

Theo VDSC, quyết định dời thời điểm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) trong kỳ họp giữa tháng 9/2015 chỉ làm giảm chứ không đủ để thay đổi xu hướng rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên; đồng thời, việc thiếu đi một mốc thời gian chính xác cho việc tăng lãi suất đồng USD còn làm cho mức đánh giá rủi ro đối với các thị trường này tăng lên. Cộng với những bất ổn kinh tế Trung Quốc, tất cả đang thúc đẩy các quỹ đầu tư toàn cầu giảm tỷ trọng những tài sản rủi ro tại các thị trường này.

VDSC dẫn nguồn từ JP Morgan cho biết, đến giữa tháng 9/2015, tỷ trọng tiền mặt của các quỹ đầu tư tại các thị trường mới nổi đạt 4,1%, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Tương tự, báo cáo dòng vốn đầu tư gián tiếp tại các thị trường mới nổi của The Institute of International Finance (IIF) cho thấy, chỉ riêng trong quý 3, đã có khoảng 40 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp được rút khỏi các thị trường mới nổi.

Ngân hàng Standard Chartered cũng xác nhận xu hướng này trong một báo cáo mới đây khi cho biết, hơn 60,4 tỷ USD đã được các quỹ đầu tư rút ra khỏi các thị trường cổ phiếu mới nổi tính từ đầu năm, cao hơn gấp nhiều lần so với con số 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2014. Theo dự báo của IIF, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi trong năm 2015 sẽ giảm gần nửa so với năm 2014 và tăng trở lại 41% trong năm 2016.

Từ dự đoán về thời điểm FED tăng lãi suất của hãng tin Bloomberg (45% xảy ra trong tháng 12/2015 và 50% trong tháng 01/2016), VDSC cho rằng khả năng lãi suất USD sẽ tăng trở lại trong năm 2015 là khá cao và sự rút đi của dòng vốn ngoại có thể sẽ chưa dừng lại, ít nhất là đến tháng 12/2015.

“Từ đây, có thể thấy cái nhìn của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đối với các thị trường chứng khoán (TTCK) mới nổi, thị trường cận biên nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng trong vòng một quý tới vẫn còn khá tiêu cực”, Báo cáo chiến lược tháng 10/2015 của VDSC đưa ra nhận định.

Cơ hội sở hữu blue chip

Thực tế diễn biến TTCK trong nước tháng 9/2015 đã cho thấy sự dè dặt của khối NĐT nội trước động thái bán ròng của khối NĐT ngoại. VDSC cho rằng, rõ ràng là việc FED để ngỏ khả năng để lãi suất USD tham chiếu tăng trở lại trong năm 2015 đã có tác động tiêu cực đến sự tự tin của NĐT ngoại, mà cụ thể là việc khối này đẩy mạnh bán ròng lên đến 989 tỷ đồng, mức bán ròng cao nhất trong một tháng tính từ đầu năm nay. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh cũng một phần xuất phát từ động thái bán ròng khá quyết đoán của khối ngoại.

Theo VDSC, diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (nhóm cổ phiếu ưa thích của khối ngoại) và theo đó là các chỉ số giá của TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự rút đi của dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, với điểm tựa tâm lý là các thông tin vĩ mô tích cực (tăng trưởng GDP, tiêu dùng, đầu tư và thương mại… 9 tháng đầu năm 2015 đều khả quan), cộng với việc tham gia ký kết TPP, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá tốt.

Trong khi đó, mặt bằng giá cổ phiếu lại đang được giao dịch ở mức thấp hơn nhiều thị trường châu Á khác (P/E của VN Index chỉ 12,3 lần) chính là những yếu tố “nền” làm nên sự hấp dẫn cho TTCK Việt Nam trong dài hạn.

“Do đó, việc dòng vốn ngoại rút đi chính là cơ hội lớn để NĐT trong nước tích lũy những mã blue chip có kết quả kinh doanh ổn định và triển vọng tăng dài hạn tích cực nhưng bị chiết khấu bởi sự bi quan của NĐT nước ngoài hoặc ít nhất là chưa tăng giá nhiều”, VDSC khuyến nghị./.

Đỗ Doãn