Thị trường phục hồi mạnh mẽ

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) sẽ được định nghĩa bằng lượng người quan tâm và giao dịch. Nếu lượng quan tâm đến BĐS đặt mốc tháng 3/2021 là 100% (đây là giai đoạn lượng quan tâm đạt đỉnh, sốt đất khắp nơi), tới cuối tháng 8 đầu tháng 9 thị trường BĐS tạo đáy bằng 30% so với mức đỉnh. Đến tháng 11, lượng quan tâm ở thị trường Hà Nội đã về 100% so với mức đỉnh bằng giai đoạn tháng 3, thị trường TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 95%, miền Trung khoảng 75%. Như vậy, có thể thấy lượng quan tâm tới thị trường BĐS đã quay trở lại mức độ cao.

Có nên “lướt sóng” trong giai đoạn “bình thường mới”?

Trong thời điểm hiện tại dòng vốn có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

“Bên cạnh đó, lượng tìm kiếm thông tin quy hoạch giai đoạn này đã bằng 80% so với giai đoạn đầu năm. Ngoài ra, lượng tin đăng cũng có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn hiện tại. Điều đó cho thấy, lượng cung cũng có xu hướng tăng mạnh. Dựa trên ba yếu tố như vậy có thể thấy thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, khả năng sẽ đạt được sư bứt phát mạnh hơn nữa trong giai đoạn năm 2022” - ông Quốc Anh cho biết.

Trước đó tại báo cáo quý III, Bộ Xây dựng đánh giá sự ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành BĐS không phải là một ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển BĐS trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch, làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Hoạt động giao dịch mua – bán BĐS trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi BĐS là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư, nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về BĐS, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

“Lướt sóng” sẽ khó khả thi

Thị trường đang dần phục hồi, tuy nhiên theo các chuyên gia BĐS, từ nay đến đầu năm 2022, thị trường BĐS sẽ chưa có nhiều thay đổi lớn. Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch “lướt sóng”, ngắn hạn sẽ không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh.

Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, từ nay đến đầu năm 2022, thị trường BĐS sẽ không có nhiều thay đổi lớn. Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch “lướt sóng”, “đẩy” giá trên thị trường BĐS thời gian tới sẽ không khả thi, nhất là khi dịch bệnh chưa kết thúc và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh.

Do đó, ông Khương cho rằng những người có nhu cầu nhà ở thực sự và có nguồn tiền đã có sẵn từ trước, không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế thì đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Tuy nhiên, đối với nhóm đầu tư “lướt sóng” hay nhóm đầu tư ngắn hạn thì theo ông chưa phải là thời điểm thích hợp.

Tâm lý của nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng mà quên mất rằng, muốn thu lợi nhuận cao từ BĐS thì cần có thời gian phân tích kỹ lưỡng về thị trường trước khi “xuống tiền”. Ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho rằng, nhà đầu tư không nên lướt sóng BĐS vì có sự rủi ro lớn khi đặt kỳ vọng quá lớn trong thời gian ngắn mà khi không đạt được kỳ vọng, sẽ dẫn tới bán cắt lỗ do vào không đúng thời điểm hoặc thông tin nhà đầu tư có không đúng.

Chia sẻ thêm về sự tăng giá của BĐS, ông Quốc Anh cho biết, mua BĐS là mua sự kỳ vọng. Sự kỳ vọng đến từ thông tin sắp có quy hoạch, khu vực được Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công… khu vực đấy sẽ có khả năng tăng giá. Sau đó đến giai đoạn thực tế triển khai sẽ giúp cho mặt bằng giá của khu vực đó tăng lên một lần nữa. Rõ ràng giữa giai đoạn có thông tin và thực tế triển khai sẽ là một thời gian dài 2 - 3 năm hoặc lâu hơn nữa. Đến giai đoạn triển khai xong, nếu những dự án đó giúp cho hoạt động kinh tế của khu vực đó tốt hơn thì sẽ giúp mặt bằng giá BĐS tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, ở các giai đoạn như vậy thời gian đó sẽ phải tính bằng năm chứ không thể tính bằng tháng, do đó nếu nhà đầu tư không vào đúng điểm ra sai điểm thì sẽ dễ bị thua lỗ.

Ông Quốc Anh cũng cho rằng, với những nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư không chuyên, để đảm bảo an toàn cần hiểu rõ khu vực định đầu tư đang ở giai đoạn nào, thị trường không phải lúc nào cũng “thuận buồn xuôi gió” theo mong muốn của mình, do vậy nhà đầu tư nên coi đầu tư BĐS là một khoản đầu tư dài hạn.

Bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc phục hồi mạnh mẽ

Theo các chuyên gia, hai phân khúc được đánh giá là sẽ phục hồi mạnh mẽ là bất động sản (BĐS) công nghiệp và BĐS du lịch, trong đó, thị trường BĐS công nghiệp sẽ phục hồi sớm nhất. Tỷ lệ lấp đầy sẽ tiếp tục duy trì như quý III/2021, giá thuê không biến động. Thị trường nhà ở cho thuê và dịch vụ quanh các khu công nghiệp đã hoạt động sẽ ổn định trở lại trong quý IV/2021.