Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 2,75%

Tổng cục Thống kê sáng 29/6 vừa công bố số liệu CPI 6 tháng. Theo đó, so với tháng trước, CPI tháng 6/2024 tăng 0,17%. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,1%, khu vực nông thôn tăng 0,24%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2024 tăng 4,34%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, chỉ riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,18% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm. Tính trong quý II, CPI quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2023.

CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% là mức phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội sáng 29/6.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, các yếu tố làm tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước gồm:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm.

Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,95%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số địa phương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%, tác động làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Ở chiều ngược lại, yếu tố làm giảm CPI 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước vẫn là chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 6 tháng đầu năm 2024 giảm 1,41% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5% là khả thi

Nhận định về mức tăng CPI trong 6 tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay từ 4 - 4,5%.

Đồng thời, lạm phát 6 tháng đầu năm cũng đang theo xu hướng của kịch bản giá Tổng cục Thống kê đã xây dựng từ đầu năm. Như vậy, để đạt mức mục tiêu 4,5% của cả năm 2024 thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% là mức phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê dự báo có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát.

Do đó, Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi.

Tăng lương không còn tác động nhiều đến giá cả

Liên quan đến lo ngại về tác động của lần tăng lương từ 1/7 sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, Vụ trưởng Nguyễn Thu Oanh cho biết, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%. Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát, bà Vũ Thu Oanh nhận định.