Ngày 7/1/2022, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, chương trình công tác năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dự và phát biểu chỉ đạo.

Cục Tài chính doanh nghiệp tập trung xây dựng các chính sách, đề án quan trọng
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Theo báo cáo, năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trên 13.400 văn bản gửi đến; trình Bộ xem xét, phê duyệt trên 1.180 văn bản thường; trực tiếp xử lý, ban hành trên 2.500 công văn về các Đề án, cơ chế, chính sách, xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp, đôn đốc, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, xếp loại DNNN, quy định về cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN....

Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc thành lập, tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đề ra, Cục Tài chính doanh nghiệp chủ động thực hiện các báo cáo cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính, kinh doanh không có hiệu quả, lỗ, mất vốn của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước để cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thông tin với hội nghị, Phó Cục trưởng Phạm Quý Đức cho biết, về giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Cục đã trình Bộ ký ban hành 8 văn bản liên quan đến giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2020. Trong năm 2020 có 97 doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn. Tổng số vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động tăng 15.758 tỷ đồng.

Về việc phối hợp giám sát tài chính, xếp loại đối với các doanh nghiệp, Cục đã báo cáo Bộ ý kiến tham gia với cơ quan đại diện chủ sở hữu về lập kế hoạch giám sát tài chính và phối hợp thực hiện kế hoạch giám sát tài chính trong năm. Năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp đã báo cáo Bộ ban hành trên 68 văn bản tham gia ý kiến với các cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc xếp loại doanh nghiệp nhà nước.

Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp đã tổng hợp, báo cáo Bộ tiến độ thực hiện cổ phần hóa DNNN hàng tháng, quý, năm. Trong năm 2021 chỉ có 3 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Về hoạt động thoái vốn, đến hết tháng 11/2021, đã thoái thành công tại các doanh nghiệp 1.652 tỷ đồng với giá trị thu về gấp 2,64 lần (4.356 tỷ đồng). Trong đó, Nhà nước thoái tại 4 doanh nghiệp 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 12 doanh nghiệp 1.599,4 tỷ đồng, thu về 4.271,7 tỷ đồng, gấp 2,67 lần giá trị thoái.

Lũy kế 11 tháng năm 2021, có 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC với tổng giá trị phần vốn nhà nước bàn giao là 218 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, năm 2021 Cục Tài chính doanh nghiệp đã hoàn thành cài đặt thành công hệ thống tại hạ tầng của Bộ Tài chính, triển khai công tác đào tạo trực tuyến hướng dẫn sử dụng hệ thống cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các cơ quan này. Dự kiến từ năm 2022 sẽ đưa hệ thống vào vận hành chính thức.

Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi biểu dương và đánh giá cao các kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Cục Tài chính doanh nghiệp trong năm 2021.

Cục Tài chính doanh nghiệp tập trung xây dựng các chính sách, đề án quan trọng
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi yêu cầu, Cục Tài chính doanh nghiệp tập trung nguồn lực cao nhất để xây dựng, hoàn thành các chính sách, đề án quan trọng của đơn vị trong năm 2022. Ảnh: Đức Minh

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi yêu cầu, Cục Tài chính doanh nghiệp tập trung nguồn lực cao nhất để xây dựng, hoàn thành các chính sách, đề án quan trọng của đơn vị trong năm 2022. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) trình Bộ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội giai đoạn 2022 - 2025. Theo Thứ trưởng, luật sửa đổi lần này sẽ định hình hoạt động của Cục trong tương lai và vai trò của Bộ Tài chính trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đề nghị, Cục Tài chính doanh nghiệp cần có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng Luật để các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời có được cơ chế quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch trong quản lý vốn nhà nước...

Thứ trưởng đề nghị Cục Tài chính doanh nghiệp cần làm rõ quy chuẩn, quy trình như việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp nhà nước, đánh giá, giám sát tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Quy trình cần đảm bảo công khai minh bạch, chiếu đúng tiêu chuẩn để xếp loại, đánh giá doanh nghiệp…/.