Duy trì quỹ bình ổn giá cần có nguyên tắc và giới hạn thời gian

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, về Quỹ Bình ổn giá, thống nhất cần phải có đánh giá toàn diện về việc thực hiện để nghiên cứu đưa vào luật. Với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ĐB cho rằng nên tiếp tục duy trì, nhưng trong quy định sử dụng quỹ này cần phải làm rõ công khai minh bạch cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo điều hòa sử dụng.

Đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế can thiệp mệnh lệnh hành chính về giá
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ.

ĐB Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá là cần thiết, nhất là trong bối cảnh khi thế giới có biến động, những dao động của giá rất lớn, trong một giai đoạn sẽ tác động, ảnh hưởng sản xuất và đời sống, thì cần thiết phải có Quỹ Bình ổn giá.

“Tuy nhiên, nguyên tắc cơ chế thị trường vẫn phải là lớn nhất. Tôi vẫn đồng tình quan điểm duy trì Quỹ Bình ổn giá, nhưng cần có nguyên tắc và giới hạn về thời gian. Nếu tình hình giá xăng dầu kéo dài, biên độ lớn thì quỹ đảm bảo được không. Cái gì cũng có tính hai mặt, giá đi ngược chiều giá thế giới, giá cao thì dùng quỹ bình ổn, dẫn tới xảy ra hiện tượng buôn lậu. Tôi đồng tình với nguyên tắc vận hành quỹ nhưng phải chống buôn lậu, biên độ giảm quá cao thì có thể thất thoát xăng dầu” - ĐB Phạm Đình Toản nói.

ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) bày tỏ sự thống nhất sửa đổi Luật Giá vì có những bất cập, nhưng để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ, đảm bảo tuân thủ quy luật thị trường, thì trong các quy định cần phải hạn chế các biện pháp hành chính.

“Tôi lấy ví dụ bình ổn giá, định giá là sự can thiệp bằng biện pháp hành chính. Thay vì biện pháp này chúng ta có thể thực hiện chính sách an sinh xã hội, tài chính vi mô, đảm bảo giá cả theo cơ chế thị trường. Luật Giá (sửa đổi) phải đảm bảo định hướng và quan điểm, nhà nước quản lý và điều tiết giá theo cơ chế thị trường” - ĐB Trương Thị Ngọc Ánh bày tỏ quan điểm.

Về quy định các hành vi cấm, theo ĐB, cần thêm hành vi chuyển giá giữa các đơn vị liên doanh và FDI. Không nên giao việc định giá và bình ổn giá cho một ngành chủ thể nào mà phải là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ để định giá và bình ổn giá, đảm bảo kỷ cương, trật tự, không để mỗi bộ, ngành có thẩm quyền định giá, bình ổn giá, ví dụ như bình ổn giá xăng dầu.

ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) bày tỏ quan điểm của mình về thẩm quyền quy định Danh mục hàng hóa dịch vụ Nhà nước bình ổn giá. Theo ĐB, hiện hành quy định hiện hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, nhưng dự thảo giao cho Chính phủ quy định thì cần cân nhắc.

Lý do là việc quy định ngay trong dự thảo đảm bảo tính công khai minh bạch, liên quan tới quyền lợi ích về giá người sản xuất và người tiêu dùng. “Đã có danh mục Nhà nước định giá thì có thêm danh mục hàng hóa Nhà nước bình ổn giá. Trường hợp thay đổi cần trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - ĐB Nguyễn Danh Tú nói.

Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn quy định quản lý nhà nước về giá

Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, những ách tắc về giá hiện nay chủ yếu là những hướng dẫn tại các nghị định, thông tư, “quy định về giá chuyên ngành là rất chậm”.

Bộ trưởng ví dụ như Thông tư số 14/2020/TT-BYT Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc lại các cơ sở y tế công lập. Hai thông tư này đều do Bộ Y tế chủ trì, đến nay đang là nút thắt, việc thiếu thuốc, vật tư y tế đang không tháo gỡ được.

Đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế can thiệp mệnh lệnh hành chính về giá
Có ý kiến đề nghị hạn chế can thiệp mệnh lệnh hành chính về giá.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vừa qua Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp mời Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo một số bệnh viện lớn đến để bàn tháo gỡ, nhưng việc sửa đổi các quy định này là do cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Y tế đang thực hiện.

Hoặc như liên quan đến lĩnh vực đất đai, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thông tư này hiện rất nhiều địa phương đang kiến nghị sửa đổi nhưng chưa thực hiện được.

Từ những bất cập nêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, về tổng thể, việc tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định, thông tư xác định giá nên giao cho Bộ Tài chính thực hiện.

Bộ Tài chính có trách nhiệm tham mưu hướng dẫn ban hành quy định quản lý nhà nước về giá; tổ chức thanh kiểm tra và thẩm định các vấn đề có tính chất liên ngành.

Đối với các bộ, ngành, sẽ xác định giá các hàng hóa, dịch vụ bộ, ngành mình quản lý. “Nghĩa là tách nội dung xây dựng và thực thi pháp luật. Như vậy, việc ban hành pháp luật cũng nhanh và thực thi pháp luật cũng nhanh” - người đứng đầu ngành Tài chính nói./.

Quy định giá hàng hóa chuyên ngành là rất chậm

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ách tắc về giá hiện nay chủ yếu là những hướng dẫn tại các nghị định, thông tư, “quy định về giá hàng hóa chuyên ngành là rất chậm”.