Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 218 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,77 tỷ USD. Trong số này, Hàn Quốc đang giữ vị trí thứ 10 về quy mô đầu tư, với 14 dự án có tổng vốn hơn 308,2 triệu USD – tương đương khoảng 1,9% tổng vốn FDI toàn tỉnh.
Điểm đáng chú ý là mặc dù số lượng dự án của Hàn Quốc chưa nhiều, nhưng lại rất đa dạng về ngành nghề và địa bàn triển khai, tạo ra những hiệu ứng tích cực về cả kinh tế và xã hội.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc không chỉ lựa chọn các khu vực có hạ tầng phát triển như khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) mà còn hiện diện tại nhiều địa phương tiềm năng khác của tỉnh. Cụ thể, TP. Hạ Long hiện có 7 dự án, thị xã Quảng Yên có 4 dự án, các thành phố Cẩm Phả, Móng Cái và Đông Triều mỗi nơi có một dự án. Trong đó, 6 dự án đang triển khai trong các khu công nghiệp, khu kinh tế) và 8 dự án còn lại nằm ngoài các khu này.
![]() |
Một góc Khu công nghiệp Đông Mai tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh T.D |
Về lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Quảng Ninh trải dài trên nhiều ngành: từ công nghiệp chế biến, chế tạo đến bất động sản, giáo dục, thông tin truyền thông, dịch vụ ăn uống, thương mại, nông – lâm – ngư nghiệp. Nổi bật trong số đó là dự án kho khí dầu mỏ hóa lỏng LPG tại KCN Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên) do Tập đoàn E1 Corporation (Hàn Quốc) liên doanh cùng Công ty CP Hóa dầu Yên Hưng (Việt Nam), với số vốn đầu tư lên tới 206,6 triệu USD – trở thành dự án lớn nhất của Hàn Quốc tại Quảng Ninh hiện nay.
Ngoài ra, còn có Nhà máy Bumjin Electronics Vina tại KCN Đông Mai với vốn 30 triệu USD, chuyên sản xuất linh kiện điện tử hiện đại như thiết bị âm thanh, truyền hình và thiết bị kết nối mạng. Một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH MTV Vina New Tarps cũng đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nhựa và vải bạt.
Để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư với Hàn Quốc, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng mở rộng các kênh xúc tiến quốc tế, trong đó có các hoạt động tại chính Hàn Quốc như hội thảo, hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc”. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường đào tạo nhân lực có khả năng giao tiếp tiếng Hàn, xây dựng mô hình “một cửa” hiện đại để hỗ trợ nhà đầu tư một cách thông suốt và hiệu quả hơn.
Tỉnh cũng định hướng kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Dù mức độ hiện diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Quảng Ninh hiện vẫn ở mức khiêm tốn so với tổng thể, nhưng tiềm năng hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn. Với chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và sự chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược, Quảng Ninh đang trên đường trở thành một trong những điểm sáng FDI của khu vực phía Bắc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Vào tháng 3/2025, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA) đã phối hợp với Korea Desk (thuộc Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương) tổ chức buổi làm việc nhằm lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại tỉnh. Buổi làm việc không chỉ cung cấp thông tin cập nhật về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi, mà còn trực tiếp giải đáp các vướng mắc về thủ tục hành chính, điều chỉnh tiến độ đầu tư, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu và điện năng, cũng như hỗ trợ mở rộng quy mô dự án. |