PV: Với hạ tầng giao thông hiện đại như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam và nguồn lực du lịch phong phú, TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch gì để trở thành trung tâm MICE (hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện) hàng đầu ASEAN, sánh ngang Singapore và Bangkok, thưa bà?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập, sở hữu nền tảng hạ tầng vững chắc với 86 khách sạn 4-5 sao, cung cấp 18.228 phòng, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh đóng góp 52 khách sạn với 11.185 phòng. Hơn 242 cơ sở hội nghị, bao gồm 66 địa điểm đáp ứng trên 200 khách như SECC, Gem Center, WTC Expo Bình Dương, tạo điều kiện lý tưởng cho các sự kiện MICE.

Hạ tầng giao thông liên vùng, từ sân bay Long Thành đến các tuyến cao tốc và vành đai, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại sự thuận tiện cho khách quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh cũng đang tích cực quảng bá tại các sự kiện lớn như IMEX Frankfurt 2025 và Diễn đàn Du lịch ASEAN 2025 để khẳng định vị thế trên bản đồ MICE khu vực.

TP. Hồ Chí Minh: Định vị Trung tâm MICE ASEAN với hạ tầng và chiến lược đồng bộ
TP. Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu đón 8,5 - 10 triệu khách quốc tế và doanh thu 260.000 tỷ đồng năm 2025. Ảnh: Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh

PV: Vậy TP. Hồ Chí Minh sẽ tích hợp các giá trị văn hóa, lịch sử và ẩm thực vào các gói MICE ra sao để tăng sức hút và chi tiêu của du khách?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: TP. Hồ Chí Minh tự hào sở hữu những di sản độc đáo như Địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, Côn Đảo, cùng các điểm đến sinh thái như khu sinh quyển Cần Giờ và Vườn quốc gia Côn Đảo. Những tài nguyên này được lồng ghép vào các gói MICE để tạo trải nghiệm đa dạng, kết hợp hội nghị với nghỉ dưỡng.

Các hoạt động có yếu tố cộng đồng như trồng cây, gìn giữ biển,… cũng được doanh nghiệp tích hợp vào chương trình tour, góp phần nâng cao giá trị nhân văn và trải nghiệm của du khách.

Năm 2025, chúng tôi đẩy mạnh du lịch ban đêm qua các chương trình tham quan bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa – thể thao, theo mô hình hợp tác công – tư. Các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, lớp học nấu ăn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được phát triển, đáp ứng nhu cầu khách MICE cao cấp, khuyến khích họ lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

PV: Năm 2025, Sở Du lịch có những bước đi nào để thu hút các sự kiện quốc tế lớn và tận dụng nền tảng số như Cổng 1022 hay MultiGo để quảng bá TP. Hồ Chí Minh?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: Chúng tôi phối hợp với các sở, ngành để tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa, thể thao tầm cỡ khu vực và quốc tế, qua đó nâng tầm thương hiệu TP. Hồ Chí Minh.

Các nền tảng số như Công dân số, MultiGo và Cổng 1022 đang được tích hợp để cung cấp thông tin về sự kiện, tour tuyến và dịch vụ MICE. Những kênh này giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin trên thiết bị di động, đảm bảo trải nghiệm thuận tiện và minh bạch, góp phần quảng bá TP. Hồ Chí Minh như một điểm đến MICE toàn cầu.

PV: Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch xây dựng các hành trình MICE liên vùng kết nối với Côn Đảo, Cần Giờ hay Đồng bằng sông Cửu Long hay không, thưa bà?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: Việc thành lập chính quyền hai cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các hành trình MICE liên vùng giữa TP.Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu và mở rộng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hạ tầng kết nối như tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu đang hoàn thiện giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Thành phố đến các điểm như Hồ Tràm, Long Hải, Cần Giờ chỉ còn 90 - 120 phút, thuận tiện cho các đoàn khách MICE trong và ngoài nước.

TP. Hồ Chí Minh: Định vị Trung tâm MICE ASEAN với hạ tầng và chiến lược đồng bộ
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ra, cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành cũng góp phần kết nối Vũng Tàu, Cần Giờ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành chuỗi du lịch sinh thái và du lịch biển. Các điểm đến như Cánh đồng Cây Siu (Bình Dương), khu nghỉ dưỡng Núi Cậu, Long Hải - Hồ Tràm - Bình Châu… đều được quy hoạch để phục vụ các đoàn khách MICE có yêu cầu cao về trải nghiệm và nghỉ ngơi sau hội nghị.

Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết vùng của TP.Hồ Chí Minh (mới) với các chủ đề về đô thị, công nghiệp, văn hóa, giáo dục, tâm linh, sản phẩm biển và nghỉ dưỡng cao cấp… nhằm gia tăng trải nghiệp của du khách, tăng chi tiêu trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

PV: Thách thức lớn nhất trong phát triển du lịch MICE tại TP. Hồ Chí Minh là gì, và phân khúc này đóng góp thế nào vào mục tiêu đón 8,5 - 10 triệu khách quốc tế, doanh thu 260.000 tỷ đồng năm 2025, thưa bà?

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: TP. Hồ Chí Minh xem phân khúc MICE là một động lực quan trọng góp phần đạt được mục tiêu này trong năm 2025 và tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô ngành du lịch.

Du lịch MICE cũng tạo tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội. Dự báo đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ thu hút khoảng 235.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch; con số này có thể tăng lên 310.000 người vào năm 2030. Nhu cầu nhân lực tăng mạnh trong các lĩnh vực: lưu trú, nhà hàng, lữ hành, hướng dẫn viên và các dịch vụ hỗ trợ như sự kiện, hội nghị, công nghệ du lịch. Đây là minh chứng cho vai trò của MICE không chỉ trong tăng trưởng doanh thu mà còn trong giải quyết việc làm quy mô lớn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

PV: Xin cảm ơn bà!

Để phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện các nền tảng hỗ trợ, bao gồm nâng cao chất lượng hạ tầng dịch vụ, số hóa quy trình và tăng cường khả năng thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của khách MICE trong nước và quốc tế.