Chiều 23/11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trước khi thảo luận về dự thảo Luật này.

Tiếp tục tìm phương án về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật. Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung 1 chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng luật riêng về ngân hàng chính sách.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo trước đó) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động…

Bên cạnh các nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình xin ý kiến Quốc hội về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, trong đó có các phương án quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng…

Ngoài các nội dung này, trong quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định thành 1 chương về thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng; cần phải đặt lại mô hình của cơ quan giám sát và kiểm tra tài chính độc lập để thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai, minh bạch trong tất cả các giao dịch.

Đánh giá kỹ chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của UBTVQH. Ảnh: Quochoi.vn

Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý hoạt động ngân hàng, các quy định của pháp luật có liên quan, các quy định cần sửa đổi để bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Đồng thời, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm của các ngân hàng thương mại, có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác động xấu, nặng nề đến các tổ chức, cá nhân đang là khách hàng của các ngân hàng, ảnh hưởng đến ngành kinh tế, qua đó sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác và Luật Các chức tín dụng để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các sai phạm của các ngân hàng.

Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho rằng, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng nhằm phát hiện từ sớm các rủi ro, các sai phạm để có thể can thiệp từ sớm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường. Hiện nay, khoản 1 Điều 200 của dự thảo Luật mới chỉ quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong khi đó, Luật Thanh tra đã quy định cụ thể về hoạt động thanh tra, bao gồm cả thanh tra chuyên ngành và trên thực tế triển khai hoạt động của thanh tra ngân hàng sẽ thực hiện cả quy định của Luật Thanh tra và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về vấn đề này, UBTVQH cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá về chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, nhất là rà soát nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống, giảm thiểu những trường hợp phải xử lý tổ chức tín dụng yếu kém như thời gian qua.

Đánh giá kỹ chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham dự phiên họp chiều 23/11. Ảnh: Quochoi.vn

Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 6

Theo chương trình dự kiến, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 28/11. Tuy nhiên, tại báo cáo này, UBTVQH cho hay, các nội dung tại dự thảo Luật liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống như đã nêu tại Nghị quyết số 31/2021/QH15.

Về cơ sở thực tiễn, cũng chưa làm rõ được các bất cập trong quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt theo quy định của Luật hiện hành, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của các bất cập nên chưa đủ cơ sở để thiết kế phương án tổng thể, tối ưu đối với các nội dung này.

Là dự án Luật phức tạp, nhạy cảm, có vai trò rất quan trọng đối với nền tài chính quốc gia, UBTVQH nêu rõ chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, UBTVQH cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo Luật.

Làm rõ bao nhiêu ngân hàng sẽ phải can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt

UBTVQH đề nghị Chính phủ: Đề xuất cụ thể đối với các nội dung quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu như: nội dung về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng…; tiếp tục đánh giá, hoàn thiện các nội dung khác, trong đó có quy định về kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động đối với nội dung thay đổi về chính sách được yêu cầu, nhất là các quy định liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt. Chẳng hạn, việc thực hiện quy định của dự thảo Luật sẽ dẫn đến bao nhiêu tổ chức tín dụng đặt vào can thiệp sớm, bao nhiêu tổ chức tín dụng đặt vào kiểm soát đặc biệt, tác động như thế nào…, nhằm bảo đảm khi Luật thông qua có tính khả thi.