Giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm giảm nghèo

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, chương trình hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

Theo ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng - dự án số 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”, với những mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể.

Ông Đào Trọng Độ cho biết, nội dung này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia; đồng thời, cùng với nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh… sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của các vùng, các địa phương và các đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn, nếu có chính sách tốt, hỗ trợ người nghèo từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sẽ góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.

Lao động nghèo ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được học nghề chăn nuôi gia cầm. Ảnh: QA
Lao động nghèo ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được học nghề chăn nuôi gia cầm. Ảnh: QA

Thực tế, tại các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công.

Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung khá cao, chiếm khoảng gần 70%, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chỉ đào tạo ban đầu, đào tạo học sinh tốt nghiệp các cấp, mà cần phải tập trung đào tạo lực lượng chất lượng cao.

Lao động có kỹ năng sẽ có việc làm bền vững

Ông Đào Trọng Độ cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững. Đó là tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đây là điểm căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Đào tạo nâng cao kỹ năng, nhận thức là một trong những vấn đề được đề cập sâu, cũng như có các chỉ tiêu cụ thể như: tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, chỉ tiêu về người lao động được hỗ trợ đào tạo. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo kỹ năng, hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, để nếu người lao động có nhu cầu, có thể tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Trước đây, việc đào tạo với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chủ yếu chỉ hướng đến đào tạo kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Chương trình lần này đã khác, ngoài thiết kế những hỗ trợ cho đối tượng lao động đó, thì phải hỗ trợ đào tạo trình độ cao. Người lao động được đào tạo trung cấp, cao đẳng để họ có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn.

Tuyển sinh, đào tạo từ 2,2 - 2,5 triệu lượt người mỗi năm

Trung bình mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo từ 2,2 - 2,5 triệu lượt người. Đây là một yếu tố quan trọng trong tạo việc làm, cũng như từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tỷ lệ lao động qua đào tạo.

TS. Nguyễn Hoàng Hà - cán bộ chương trình quốc gia, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhận định trong dự án số 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước có trọng điểm, có đối tượng, đích đến rất rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo. Trong đó, Nhà nước xác định là chủ thể cung cấp ngân sách, tạo cơ chế, đơn vị giáo dục nghề nghiệp phát huy nâng cao chất lượng đào tạo nghề, người lao động nâng cao nội lực tham gia học nghề. Chương trình chú trọng cả đối tượng được thụ hưởng, để họ làm việc có kỹ năng tốt và chủ động tham gia vào tiến trình này để tối ưu nguồn đầu tư của nhà nước.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Đào Trọng Độ cho biết các vùng nghèo có những hạn chế nhất định, đó là ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn, ít được quan tâm hơn, khó thu hút người giỏi về dạy, cơ sở vật chất lạc hậu hơn, đi lại khó khăn hơn. Vì vậy, muốn người nghèo, người thu nhập thấp ở vùng khó khăn được tiếp cận với chiều thiếu hụt này, nhà nước phải có chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng đó để thúc đẩy đào tạo, đào tạo kỹ năng, thúc đẩy khả năng, điều kiện tiếp cận tốt hơn cho người lao động ở những vùng đó. Từ đó tạo ra cú huých, vừa nâng cao chất lượng nhân lực, vừa giúp giải quyết các vấn đề khác.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững cần có trọng điểm, tránh dàn trải và đầu tư có hiệu quả. Mục tiêu trong ngắn hạn và trung hạn là giúp người nghèo tham gia quá trình học tập về kỹ năng, học các lớp về giáo dục nghề nghiệp để họ có thể tham gia thị trường lao động. Chính sách đầu tư của nhà nước bảo đảm tính cân bằng, không chỉ vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng miền núi… mà là tất cả các địa phương, các khu vực.