Dấu ấn mới trong hội nhập  và hợp tác quốc tế hải quan
Cán bộ Hải quan giám sát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hệ thống máy soi container Ảnh: TL

Quốc tế ghi nhận và đánh giá cao

Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế ngành Hải quan năm 2023 đã đạt được những dấu ấn quan trọng.

Trong khuôn khổ đa phương, Hải quan Việt Nam đã tham gia ký kết 3 văn bản hợp tác và đàm phán 5 thỏa thuận hợp tác. Trong đó tiêu biểu là ký Thỏa thuận về công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa các cơ quan hải quan của các quốc gia thành viên ASEAN; ký Tuyên bố chung về hợp tác hải quan toàn cầu và hải quan số (Tuyên bố Seoul) với sự tham gia của 58 nước; ký Tuyên bố chung về hợp tác hải quan trong kiểm soát ma túy tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương bao gồm 18 nước tham gia. Trong khuôn khổ song phương, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành việc ký kết các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế với Hàn Quốc, Hà Lan và tiếp tục đàm phán với nhiều quốc gia khác.

Thể hiện tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn hợp tác Hải quan ASEAN

Hải quan Việt Nam đặt mục tiêu thể hiện tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn hợp tác Hải quan ASEAN trong năm 2024, thực hiện thông suốt việc tham vấn kỹ thuật về phân loại, trị giá, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, và các vấn đề nghiệp vụ với các cơ quan chuyên môn của các tổ chức quốc tế mà Hải quan Việt Nam là thành viên; tăng cường hợp tác với các cơ quan trong khuôn khổ Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác như UNODC, INCB, UNDP... phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, phòng chống ma túy và nâng cao năng lực cho các công chức Hải quan Việt Nam.

Đặc biệt, việc đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Hải quan Việt Nam trong vai trò thành viên WCO. Đây là một sự kiện quốc tế lớn của WCO và là một trong những sự kiến quốc tế lớn nhất từ trước đến nay đối với Hải quan Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu hải quan và DN công nghệ đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 95 diễn giả tham gia trình bày tại hội nghị, 48 gian hàng triển lãm với khoảng 300 nhân sự giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hải quan tới các đại biểu tham dự. Sự kiện đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và được WCO đánh giá rất cao.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, sự kiện này đã mở ra cơ hội cho các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thế giới về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới cũng như cách thức giải quyết các thách thức trong quản lý, ứng dụng công nghệ và hoạt động thương mại.

Cũng trong năm 2023, Hải quan Việt Nam tham gia hoàn thành và triển khai Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN); thực hiện trao đổi thông tin Tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch điện tử qua Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, từ khâu hoàn thiện thể chế, ứng dụng phần mềm hệ thống, đào tạo sử dụng; tiếp nhận vai trò chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN vào năm 2024.

Hải quan Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp với các đối tác triển khai các chương trình hợp tác trong khối; tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) thuộc Liên hiệp quốc; chủ trì triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động, các chương trình, dự án hợp tác về công tác kiểm soát hải quan phòng chống buôn lậu ma túy, đảm bảo an ninh, an toàn,…

Với những kết quả đạt được triển khai các hoạt động hợp tác với các đối tác này, đặc biệt là trong công tác kiểm soát phòng chống buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, Hải quan Việt Nam đã được các đối tác đánh giá cao và tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực về trang thiết bị kiểm soát cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ.

Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, hội nhập hiệu quả

Dấu ấn mới trong hội nhập  và hợp tác quốc tế hải quan
Ảnh minh họa

Công tác hội nhập, hợp tác quốc tế ngành Hải quan trong thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước liên quan đến hợp tác và hội nhập quốc tế; gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan của ngành; chú trọng xây dựng hình ảnh Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp, hội nhập hiệu quả, văn minh, hiện đại, trách nhiệm trong thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi tiếp cận được nhiều chuẩn mực hải quan tiên tiến hiện đại và thích ứng với thực tiễn hoạt động của Hải quan Việt Nam.

Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương sẽ được chú trọng đẩy mạnh có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả; tập trung vào hợp tác trao đổi thông tin nghiệp vụ, thông tin tình báo, phục vụ việc kiểm soát, đảm bảo an ninh an toàn, phòng chống ma túy.

Về hợp tác nghiệp vụ, Hải quan Việt Nam sẽ kết nối thông suốt với các đối tác trong trao đổi thông tin, phối hợp xác minh C/O, xác minh các vụ việc nghi ngờ vi phạm pháp luật hải quan; tăng cường phối hợp trong kiểm soát ma túy, động thực vật quý hiểm, vận chuyển phế thải bất hợp pháp; tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tiến tới mô hình hải quan thông minh; nghiên cứu và tiếp cận mô hình, kinh nghiệm hay của Hải quan Việt Nam về xây dựng hải quan xanh; thí điểm trao đổi thông tin về hàng hóa theo một số mặt hàng trọng điểm và giữa các cặp cảng biển lớn của Việt Nam với các đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại với Việt Nam phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cùng với đó là duy trì việc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và lợi ích tại WCO, ASEAN, APEC, ASEM, GMS; đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, WCO và với các đối tác đã ký Hiệp định thương mại tự do; tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực trong WCO, ASEAN, APEC, ASEM thông qua việc chủ trì, điều phối, tham gia các chương trình, dự án, các hoạt động của tổ chức, chủ động đề xuất các sáng kiến kết nối hợp tác với hải quan các nước.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là xây dựng và phát triển ngành Hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2030 lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Để thực hiện thành công Chiến lược trên và nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới, việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ với các đối tác hải quan song phương và đa phương. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác và cam kết với các đối tác quốc tế; đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế để đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.